Multimedia Đọc Báo in

Cần phát hiện và điều trị sớm bệnh sỏi đường tiết niệu

09:49, 20/04/2019
Sỏi đường tiết niệu là sự hình thành sỏi trong cơ quan đường tiết niệu, gồm: sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang và sỏi ở niệu đạo. Bệnh hay gặp ở người lớn tuổi, ít gặp ở trẻ em và thường có tiền sử bệnh lâu dài qua nhiều năm. Các khối sỏi có thể gây đau, tắc đường tiết niệu và nhiễm khuẩn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người bệnh. 
 
Sỏi đường tiết niệu là một bệnh rất phổ biến; mặc dù không có số liệu thống kê cụ thể về tỷ lệ mắc bệnh, song tại Khoa Ngoại tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), trung bình mỗi ngày các bác sĩ phẫu thuật từ 7 - 10 ca bệnh sỏi tiết niệu. Bác sĩ CKII Nguyễn Việt Phương (Khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) cho biết, hầu hết các trường hợp bị sỏi đường tiết niệu đều nhập viện trong tình trạng bệnh đã tiến triển khá nặng.
 
Nguyên nhân là do bệnh không có triệu chứng điển hình, biểu hiện bệnh không rõ ràng, bệnh nhân thường chỉ đau âm ỉ, tức nặng ở một bên vùng thắt lưng nên người bệnh dễ dàng bỏ qua triệu chứng, không đi khám bệnh. Chỉ khi đau dữ dội cấp tính mới nhập viện thì bệnh đã ở trong tình trạng rất nặng, có người đã mang bệnh suốt 10 - 20 năm, không ít người đã bị các biến chứng nặng nề, như: thận ứ nước, suy thận mãn… khiến việc điều trị, xử lý cũng như thủ thuật gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm hơn có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
 
Một bệnh nhân bị sỏi đường tiết niệu điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.  Ảnh: Q.Nhật
Một bệnh nhân bị sỏi đường tiết niệu điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh: Q.Nhật
Điển hình là trường hợp của ông Thái Huy Dũng (50 tuổi), ở xã Thuận An (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông). Mặc dù có tiền sử mổ sỏi cách đây 5 năm nhưng khi có dấu hiệu đau âm ỉ sau lưng, ông Dũng vẫn nghĩ do lao động nặng nên không đến bệnh viện khám bệnh sớm. Đến khi bị đau thắt lưng quằn quại, không chịu nổi thì ông Dũng mới được gia đình đưa đến bệnh viện.
 
Bác sĩ Phương giải thích: “Trường hợp của ông Dũng khá đặc biệt. Trước đây, một bên thận của ông Dũng đã mổ do bị suy thận, nay một bên bị sỏi làm tắc nghẽn khiến cả hai thận không hoạt động. Vì vậy, trường hợp này chúng tôi phải chạy thận trước sau đó mới mổ cấp cứu vì ông Dũng nhập viện trong tình trạng bị suy thận cấp, không có nước tiểu trong 24 giờ”.
 
Những người uống ít nước hoặc làm việc trong môi trường nắng nóng, ra nhiều mồ hôi mà không được bổ sung lượng nước thường xuyên thì lượng nước tiểu bài tiết ra ít khiến các tinh thể dễ dàng kết tụ tạo thành sỏi. Hoặc thực phẩm ăn uống có nhiều tinh thể, như: tinh thể osalat, tinh thể urát hoặc bổ sung canxi một cách vô tội vạ thì cũng dễ dàng tạo sỏi.
 

Bác sĩ Phương cũng thông tin: nước tiểu gồm có hai thành phần là nước và muối khoáng (hay còn gọi là các tinh thể), khi các tinh thể có nhiều ở trong nước tiểu, chúng kết tụ lại với nhau tạo thành sỏi. Những người mắc các bệnh: teo hẹp niệu quản, túi thừa niệu quản, u tuyến tiền luyệt… làm cho dòng nước tiểu chậm, các tinh thể dễ dàng kết tụ và tạo thành sỏi đường tiết niệu. Ngoài ra, sự hình thành sỏi còn phụ thuộc vào chế độ ăn uống hằng ngày. 

Sỏi tiết niệu nếu không được phát hiện sớm và điều trị dứt điểm có thể gây ra một số biến chứng, thậm chí biến chứng nguy hiểm, nhất là ở người cao tuổi, sức yếu. Biến chứng của sỏi tiết niệu khá phức tạp, nếu nhẹ thì gây đau thắt lưng, rối loạn tiểu tiện (đái rắt, són, buốt); nặng hơn, sỏi từ thận rơi xuống niệu quản sẽ làm tổn thương niệu quản, gây chảy máu hoặc bị nhiễm trùng ngược dòng gây viêm thận, ứ mủ, đồng thời xuất hiện cơn đau dữ dội, đột ngột. Tại niệu quản, sỏi có thể làm ứ đọng nước tiểu gây giãn niệu quản, giãn đài, bể thận, hậu quả là thận bị tổn thương, nặng hơn là suy thận. Khi bị suy thận, việc điều trị gặp không ít khó khăn và làm tăng huyết áp, tăng urê máu rất nguy hiểm, giai đoạn cuối của suy thận phải chạy thận nhân tạo, thậm chí ghép thận…
 
Để phòng bệnh sỏi đường tiết niệu, nên uống đủ nước (ít nhất 2 lít/ngày) nhất là khi thời tiết nóng bức hoặc làm việc nặng trong môi trường có nhiệt độ cao, có chế độ ăn uống hợp lý, không ăn quá nhiều các loại thực phẩm có chứa nhiều canxi và các chất có thể gây sỏi… Ngoài ra, cần phòng tránh và điều trị tốt các bệnh nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
 
Đặc biệt, bệnh sỏi đường tiết niệu rất hay tái phát nên các bệnh nhân khi đã phẫu thuật cần lưu ý đến chế độ ăn uống hằng ngày, bổ sung nhiều nước, không nén nhịn khi buồn đi tiểu, nếu có dấu hiệu tiểu buốt, tiểu rắt thì nên dùng các loại thực phẩm lợi tiểu có sẵn như râu ngô, mã đề nấu nước uống. Cần khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ gây bệnh, chẩn đoán và điều trị kịp thời, dứt điểm nếu đã bị sỏi, tránh các biến chứng.
 
Mỹ Hạnh
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.