Multimedia Đọc Báo in

Tác hại khôn lường khi tự ý dùng thuốc an thần kinh

08:28, 16/06/2019

Rối loạn giấc ngủ là tình trạng khó đi vào giấc ngủ, nếu ngủ được cũng sẽ không ngon giấc, dậy sớm không ngủ lại được hoặc tỉnh lại nhiều lần trong khi ngủ. Rối loạn giấc ngủ không phải là bệnh mà là hậu quả của một căn bệnh nào đó.

Tuy nhiên, nhiều người bị rối loạn giấc ngủ không đến cơ sở y tế khám, tìm hiểu nguyên nhân để có hướng điều trị mà lại tự ý mua thuốc an thần kinh về uống để hỗ trợ giấc ngủ. Việc làm này không những không cải thiện giấc ngủ mà vô tình gây ra những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe.

Hiện nay mỗi ngày Bệnh viện Tâm thần Đắk Lắk tiếp nhận khám và điều trị từ 5 - 10 người bị chứng rối loạn giấc ngủ. Chỉ riêng trong tháng 5-2019, bệnh viện đã khám và điều trị cho gần 70 trường hợp. Bác sĩ Nguyễn Thị Bé, Trưởng khoa khám (Bệnh viện Tâm thần tỉnh) cho biết, đa số những trường hợp đến khám đều mắc chứng rối loạn giấc ngủ mạn tính (tức trong một ngày chỉ ngủ được 1 - 2 giờ hoặc không ngủ được). Trước khi đến bệnh viện khám và điều trị, những trường hợp này đã điều trị nhiều phương pháp khác nhau từ đông y đến tây y, song nguy hiểm nhất là nhiều trường hợp tự ý mua thuốc an thần kinh về uống.

Như trường hợp chị N.T.T (50 tuổi, ở xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar) bị rối loạn giấc ngủ kéo dài gần 3 năm nay. Trước khi đến Bệnh viện Tâm thần Đắk Lắk điều trị, chị cũng đã đi khám tại nhiều bệnh viện. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, chị T. không tuân thủ đúng phác đồ của các bác sĩ, ở bệnh viện nào chị cũng điều trị khoảng 3 - 4 tuần thấy tình trạng không cải thiện là lại bỏ dở điều trị, chuyển sang bệnh viện khác. Chị T. cũng tự ý mua thuốc an thần kinh về uống trong một thời gian dài.

Bác sĩ Bé thông tin: Việc điều trị rối loạn giấc ngủ cho chị T. rất khó khăn do bệnh nhân mong muốn mau chóng lấy lại giấc ngủ nên không kiên trì chữa bệnh một nơi mà hay bỏ dở điều trị. Việc điều trị rối loạn giấc ngủ không phải nhanh chóng mà có thể kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm. Và nếu bỏ dở điều trị, rất dễ gây ra tình trạng kháng thuốc khiến việc điều trị sau này càng khó khăn và phức tạp hơn.

Một bệnh nhân bị chứng rối loạn giấc ngủ đến khám tại Bệnh viện Tâm thần Đắk Lắk.
Một bệnh nhân bị chứng rối loạn giấc ngủ đến khám tại Bệnh viện Tâm thần Đắk Lắk.

Tương tự là trường hợp anh T.M.V (49 tuổi, ở xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) cũng bị mất ngủ thường xuyên. Thay vì đến cơ sở y tế để tìm nguyên nhân và điều trị thì anh V. lại lên mạng tìm mua thuốc an thần kinh về uống. Đáng lo là lúc đầu anh chỉ cần uống nửa viên là đã có thể ngủ ngon, nhưng giờ uống nửa viên vẫn không thể ngủ. Vì vậy, anh V. đã tăng liều dùng và sử dụng thuốc thường xuyên hơn. Dạo gần đây, mỗi sáng thức dậy, anh luôn cảm thấy người mệt đừ, không còn minh mẫn, hứng thú trong công việc nên đã tìm đến Bệnh viện Tâm thần Đắk Lắk khám và điều trị. 

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bé, rối loạn giấc ngủ không phải là một bệnh mà có thể là hậu quả của stress, căng thẳng kéo dài, hoặc là bị mắc các bệnh về tim mạch, hô hấp, cao huyết áp, hen phế quản, viêm khớp… Nguyên tắc trong điều trị chứng rối loạn giấc ngủ là phải điều trị nguyên nhân, không phải điều trị triệu chứng.

Tuy nhiên, nhiều người khi bị rối loạn giấc ngủ, thay vì tìm hiểu nguyên nhân, thay đổi lối sống cho khoa học để cải thiện tình trạng giấc ngủ thì lại chọn cách mua thuốc an thần kinh về uống song đây là loại thuốc nằm trong danh mục thuốc kê đơn, chỉ được dùng theo chỉ định của bác sĩ.

Việc người dân tự ý mua và sử dụng thường xuyên rất nguy hiểm vì chúng gây quen thuốc, gây nghiện, làm cho người bệnh phải lệ thuộc vào nó, nếu thời gian sử dụng kéo dài và liều lượng lớn sẽ gây hại trực tiếp đến sức khỏe, như: sau khi thức dậy sẽ kém tỉnh táo, lâu dần sẽ mắc chứng nói huyên thuyên, lo sợ vô cớ, vã mồ hôi, bồn chồn, ảo giác, dễ bị kích thích, chóng mặt, choáng váng; nặng hơn thì có thể xuất hiện cảm xúc hận thù, cơn thịnh nộ, giận dữ, dẫn đến không kiềm chế, kiểm soát được ý tưởng tự sát.

Theo lời khuyên của bác sĩ Bé, để cải thiện tình trạng mất ngủ, cần chú ý đến chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt, thay đổi môi trường làm việc, tránh xa các yếu tố gây stress. Nên ngủ và thức ở một giờ nhất định, hạn chế việc ngủ trưa (chỉ nên ngủ trưa từ 10 - 15 phút để tránh tình trạng mất ngủ vào buổi tối); không nên uống các chất kích thích, như: cà phê, trà đậm vào buổi tối trước khi đi ngủ; không ăn quá no hoặc quá đói.

Bên cạnh đó, cần thường xuyên tập thể dục thể thao, tăng cường sức khỏe; thực hành các phương pháp thư giãn, chống stress, như: Yoga, ngồi thiền, đi bộ… Người mới bị mất ngủ cũng có thể dùng những loại thảo dược thiên nhiên lành tính để cải thiện tình trạng, như: tâm sen, lạc tiên, lá vông sắc lấy nước uống.

Nếu thực hiện các biện pháp như trên mà giấc ngủ không được cải thiện, người bệnh cần đến cơ sở y tế để tìm hiểu nguyên nhân và trên cơ sở đó các bác sĩ có hướng điều trị phù hợp, tránh tình trạng lạm dụng thuốc an thần kinh mà “tiền mất tật mang”.

Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.