Thị xã Buôn Hồ chủ động phòng chống dịch bệnh ở người
Theo thống kê của Trung tâm Y tế thị xã Buôn Hồ, từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn thị xã có 62 ca sốt xuất huyết (tăng 41 ca so với cùng kỳ năm 2018), 77 ca sởi (năm 2018 không có trường hợp nào), 41 ca quai bị, 390 ca tiêu chảy thường, 424 ca cúm, 56 ca thủy đậu…
Bác sĩ CK II Trần Ngọc Việt, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Buôn Hồ cho biết, năm 2019 tình hình dịch bệnh ở người trên địa bàn thị xã gia tăng, diễn biến phức tạp, xảy ra ở hầu hết các xã, phường, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng chống dịch. Nguyên nhân là do thời tiết thất thường, nắng nóng kéo dài là điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật, vi khuẩn phát triển dẫn đến nguy cơ bùng phát một số bệnh truyền nhiễm như: tả, cúm, sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng… Năm 2019, nằm trong chu kỳ 3 năm/1 lần bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết. Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh thị xã đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Qua giám sát, các ổ dịch sốt xuất huyết, sởi chủ yếu tập trung ở xã Ea Đrông, Cư Bao, Bình Thuận và các phường An Bình, An Lạc, Bình Tân, Thống Nhất, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh thị xã đã chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác truyền thông, thành lập 149 tổ xung kích tại các thôn, buôn, tổ dân phố, hướng dẫn thực hiện công tác vệ sinh môi trường, xử lý dụng cụ chứa nước, triển khai chiến dịch diệt bọ gậy đến từng hộ gia đình, vệ sinh môi trường trong và xung quanh nhà, phun hóa chất diệt muỗi…
Đoàn viên thanh niên phường An Bình tổ chức dọn vệ sinh, đổ các vật dụng chứa nước để diệt bọ gậy. |
Bác sĩ Y Miu Niê Kdăm, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ cho biết: Từ khi thực hiện thông tuyến huyện trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, đơn vị không chỉ tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân trên địa bàn thị xã mà cả bệnh nhân của các huyện lân cận gồm: Krông Búk, Ea H’leo, Cư M’gar, Krông Năng. Hơn nữa, từ đầu năm 2019 đến nay, các trường hợp mắc dịch bệnh truyền nhiễm gia tăng, trong khi cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế của bệnh viện còn hạn chế gây khó khăn trong công tác điều trị. Bệnh viện đã phải kê thêm 20 giường bệnh tại Khoa Truyền nhiễm, điều chuyển bớt bệnh nhân của khoa sang các khoa khác nhưng người bệnh vẫn phải nằm ghép...
Trên cơ sở chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh thị xã, các địa phương đã tập trung cho công tác khoanh vùng, phòng chống dịch bệnh. Phường An Bình là địa phương có số ca mắc bệnh sốt xuất huyết nhiều nhất thị xã với 20 ca mắc và 4 ổ dịch tại các tổ dân phố 4, 8, 9, 10 (tăng 45% so với cùng kỳ năm 2018). Theo ông Nguyễn Thanh Long, Phó Chủ tịch UBND phường, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh phường An Bình, trước diễn biến phức tạp của các dịch bệnh ở người, Ban Chỉ đạo phường đã trực tiếp kiểm tra, làm việc tại các tổ dân phố, cơ quan, trường học, thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân bảo đảm vệ sinh môi trường, phối hợp với Trung tâm Y tế thị xã, Trạm Y tế phường giám sát và xử lý các ổ dịch. Nhờ vậy, các ổ dịch đã được kiểm soát và xử lý triệt để.
Bác sĩ Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ khám bệnh cho bệnh nhân bị sốt xuất huyết. |
Theo Phó Chủ tịch UBND thị xã, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh thị xã Buôn Hồ Nguyễn Thanh Tùng, để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, các ngành chức năng, địa phương cần tăng cường công tác chỉ đạo, giám sát, kiểm tra, xử lý ổ dịch, tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường. Mỗi người dân chủ động tìm hiểu cách phòng, chống dịch bệnh, thường xuyên vệ sinh khu vực sinh sống và thực hiện tiêm chủng đầy đủ...
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc