Kết nối Cơ sở dữ liệu Dược quốc gia: Công khai, minh bạch trong quản lý thuốc
Cùng với các tỉnh, thành trên cả nước, ngành Y tế Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai kết nối Cơ sở dữ liệu Dược quốc gia đến các nhà thuốc, quầy thuốc trên địa bàn nhằm quản lý việc cung cấp, phân phối thuốc vì lợi ích của người dân.
Kết nối để kiểm soát
Trước thực tế việc mua bán thuốc, nhất là thuốc kháng sinh không cần kê đơn diễn ra phổ biến ở hầu hết các nhà thuốc, quầy thuốc là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng kháng thuốc kháng sinh ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng sức khỏe người dân, ngày 23-8-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về tăng cường quản lý, kết nối cơ sở cung ứng thuốc. Với Chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành Y tế tổ chức triển khai kết nối các cơ sở cung ứng thuốc trên toàn quốc từ tháng 9-2018; trong năm 2018 hoàn thành liên thông đối với các cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc, nhà thuốc và tủ thuốc trạm y tế xã; phấn đấu trong năm 2019 hoàn thành đối với quầy thuốc.
Để thực hiện tốt nội dung này, ngày 21-9-2018, Sở Y tế đã xây dựng Kế hoạch triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở cung ứng thuốc với Cơ sở dữ liệu Dược quốc gia tại tỉnh Đắk Lắk với mục tiêu tăng cường hiệu quả quản lý việc cung cấp, phân phối thuốc vì lợi ích của người dân, trước hết là chấn chỉnh tình trạng mua bán, sử dụng thuốc không rõ xuất xứ, giá cả, không bảo đảm chất lượng, tình trạng bán thuốc không theo đơn trên địa bàn, bảo đảm công khai, minh bạch trong quản lý thuốc. Đồng thời Sở Y tế đã phối hợp với các đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ kết nối liên thông tổ chức các hội thảo, tập huấn hướng dẫn sử dụng hệ thống Quản lý nhà thuốc quốc gia và kết nối mạng các cơ sở cung ứng thuốc để đảm bảo tiến độ cài đặt, vận hành phần mềm quản lý nhà thuốc quốc gia cho các cơ sở bán lẻ là nhà thuốc trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ Phòng Y tế thị xã Buôn Hồ kiểm tra hoạt động của một cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn. |
Dược sĩ Lê Bá Nguyên, Trưởng Phòng Kế hoạch nghiệp vụ Dược, Sở Y tế cho biết, các cơ sở kinh doanh sau khi tập huấn được cấp tài khoản và tiến hành liên thông số liệu trên hệ thống phần mềm. Tính đến cuối tháng 5-2019, trong số 139 nhà thuốc và 1.532 quầy thuốc trên toàn tỉnh mới có 85 cơ sở cung ứng thuốc được kết nối với Cơ sở dữ liệu Dược quốc gia, trong đó có 75 nhà thuốc, 9 doanh nghiệp và 1 quầy thuốc. Hiện còn một số cơ sở đang tiến hành các thủ tục để kết nối. Dự kiến, trong tháng 6, nếu các công ty cung cấp phần mềm quản lý nhà thuốc (Viettel, VNPT, Citigo) hoàn tất những thủ tục kết nối thì số nhà thuốc trên địa bàn tỉnh được kết nối liên thông đạt trên 80%.
Nhiều cơ sở cung ứng thuốc còn chần chừ
Có thể thấy, tiến độ kết nối Cơ sở dữ liệu Dược quốc gia ở Đắk Lắk thực hiện chậm so với lộ trình Thủ tướng Chính phủ đề ra tại Chỉ thị số 23/CT-TTg. Trong khi ngành Y tế đang tích cực đẩy nhanh tiến độ lại có không ít cơ sở cung ứng thuốc chần chừ trước việc kết nối với Cơ sở dữ liệu Dược quốc gia. Theo dược sĩ Lê Bá Nguyên, hiện nay một số cơ sở còn thiếu nhận thức về trách nhiệm và lợi ích khi kết nối liên thông, hạn chế về kỹ năng công nghệ thông tin, nhất là đối với các chủ cơ sở lớn tuổi; chưa có kế hoạch đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin một cách đúng mức (đối với các cơ sở có quy mô kinh doanh nhỏ) dẫn đến có tâm lý đối phó khi triển khai. Bên cạnh đó, việc kết nối Cơ sở dữ liệu Dược quốc gia đòi hỏi phải có địa chỉ IP tĩnh để kết nối liên thông dẫn đến phát sinh chi phí thường xuyên và lâu dài trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh của cơ sở khiến nhiều cơ sở không “mặn mà”. Ngoài ra, tình trạng người dân vẫn còn thói quen mua thuốc không kê đơn, không có thông tin cá nhân khiến cho việc cập nhật đầy đủ dữ liệu để bảo đảm liên thông thêm khó khăn.
"Thời gian tới, ngành Y tế sẽ có chế tài nghiêm khắc để xử lý các vi phạm về quy định kết nối liên thông Cơ sở dữ liệu Dược quốc gia, nhất là với các cơ sở cố tình chây ỳ không kết nối".
Dược sĩ Lê Bá Nguyên, Trưởng Phòng Kế hoạch nghiệp vụ Dược, Sở Y tế
|
Nhìn nhận trên thực tế, thực hiện kết nối mạng vào quản lý cơ sở bán lẻ thuốc chính là đưa vào một phương thức quản lý mới, từ hoạt động thủ công sang hoạt động trên nền tảng công nghệ để bảo đảm công khai, minh bạch trong kinh doanh. Do đó, để duy trì hiệu quả hoạt động này, ngành Y tế đã và đang phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền cho người dân và cơ sở cung ứng thuốc về những lợi ích của việc kết nối liên thông với Cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia nhằm kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng và giá thành của thuốc lưu hành trên thị trường. Đồng thời, vận động và hỗ trợ kỹ thuật cho cơ sở cung ứng thuốc thực hiện việc kết nối liên thông với Cơ sở dữ liệu Dược quốc gia. Song song đó, ngành Y tế cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh doanh dược nói chung và các quy định về kết nối liên thông nói riêng.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc