Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Bông: Người dân còn chủ quan với bệnh dại

09:23, 12/08/2019

Mặc dù trên địa bàn vừa ghi nhận một trường hợp tử vong do bệnh dại, song tình trạng nuôi chó mèo thả rông vẫn diễn ra khá phổ biến tại huyện Krông Bông. Đặc biệt, việc tiêm phòng dại cho chó, mèo vẫn chưa được người dân nơi đây quan tâm.

Thiếu kiến thức về bệnh dại

Gia đình bà H’Rai Niê (ở buôn Cư Phiăng, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) nuôi 3 con chó thả rông để trông nhà nhưng lại không tiêm phòng bệnh dại. Mới đây, một con trong số đó đã cắn một người bị thương khi đi qua ngõ nhà bà H’Rai. Lúc đưa người bị chó cắn đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại, bà H’Rai mới biết được sự nguy hiểm khi không tiêm phòng cho chó.

Bà kể: “Sau khi chó nhà tôi cắn người ta bị thương, họ yêu cầu nên tôi phải đưa họ đi tiêm vắc xin phòng dại. Lâu nay tôi không quan tâm nhiều đến bệnh dại, cũng chẳng tiêm phòng cho chó vì nghĩ mình nuôi chó cỏ để giữ nhà chứ có nuôi chó cảnh đâu mà phải tiêm. Lúc đến cơ sở y tế nghe cán bộ y tế tư vấn tôi mới biết đó là bệnh nguy hiểm. Người bị chó nhà tôi cắn phải tiêm 5 mũi vắc xin để phòng bệnh và tôi phải trả tiền vắc xin hết hơn 1 triệu đồng. Giờ nghĩ lại mới thấy giá như tôi tuân thủ việc tiêm phòng cho chó đều đặn thì đâu làm ảnh  hưởng đến người khác”.

Tình trạng chó nuôi thả rông diễn ra phổ biến ở huyện Krông Bông.
Tình trạng chó nuôi thả rông diễn ra phổ biến ở huyện Krông Bông.

Không chỉ gia đình bà H’Rai, ở buôn Cư Phiăng có rất nhiều hộ nuôi chó, hầu hết đều nuôi thả rông song chẳng mấy nhà quan tâm đến việc tiêm phòng dại cho chó. Ông Y Chu H’ra cho biết: “Khu vực xung quanh nhà tôi hầu như nhà nào cũng nuôi chó để canh nhà, canh rẫy, thậm chí có nhà còn nuôi đến 4-5 con. Nhưng đợt tiêm phòng dại cho chó mới đây chỉ có một vài nhà thực hiện, còn lại đều không tiêm. Có nhà thì nói giá tiêm phòng cho mỗi con chó hết hơn 20.000 đồng, không có tiền để tiêm. Người có tiền thì lại cho rằng chó nhà nuôi ít bệnh tật nên không cần tiêm phòng”.

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm, có tỷ lệ tử vong cao. Thời gian ủ bệnh từ 1 đến 3 tháng. Dấu hiệu người mắc bệnh dại thường có biểu hiện: nấc, khó thở, sợ nước, sợ tiếng động và tinh thần hoảng loạn; máu của người nhiễm bệnh hoặc động vật bị bệnh có thể lây nhiễm qua các vết thương hở của người khỏe mạnh...

Việc thiếu kiến thức về bệnh dại cũng chính là nguyên nhân dẫn đến cái chết thương tâm của bé trai Ai Thơi (10 tuổi), ở thôn 2, xã Hòa Phong mới đây. Trước đó, cháu bé bị chó nhà hàng xóm cắn ở chân khi chơi cùng các bạn trong xóm. Do vết thương nhỏ lại sợ bố mẹ trách mắng nên cháu bé không thông báo cho gia đình biết sự việc nên không theo dõi được con chó cắn người và không tiêm vắc xin phòng dại. Hậu quả là giữa tháng 7 vừa qua, cháu bé xuất hiện các triệu chứng của bệnh dại, sau đó tử vong với chẩn đoán bệnh dại lên cơn.

Tỷ lệ tiêm phòng dại trên đàn chó đạt thấp

Mặc dù diễn biến bệnh dại tại huyện Krông Bông có chiều hướng phức tạp, nhưng công tác phòng, chống bệnh này hiện chưa có chuyển biến tích cực, trong đó khó khăn lớn nhất là nhận thức hạn chế của người dân về công tác này. Do chủ quan với bệnh dại trên người và động vật nên các hộ nuôi chó trên địa bàn huyện Krông Bông không quan tâm đến việc chủ động tiêm vắc xin phòng dại trên chó, mèo, trong khi đây là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để phòng chống bệnh dại, hạn chế tối đa bệnh dại ở người.

Qua rà soát của Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Krông Bông, tổng đàn chó đang được nuôi tại các hộ gia đình trên địa bàn huyện khoảng 14.300 con, nhưng tỷ lệ tiêm phòng chỉ đạt 3.200 liều (chiếm trên 22%), chưa đạt yêu cầu đề ra tại Quyết định số 1231/QĐ-UBND ngày 15-3-2019 của UBND huyện (tỷ lệ tiêm phòng dại cho chó phải đạt trên 60% tổng đàn). Trong khi đó, hầu hết các hộ đều nuôi chó theo hình thức thả rông, có nguy cơ lây lan bệnh dại rất cao, bởi một con chó mang vi rút dại có thể di chuyển được vài chục cây số từ khi phát hiện bệnh đến khi chết, hơn nữa trong quá trình di chuyển đó, nó có thể điên cuồng cắn và truyền bệnh cho bất cứ người hoặc con vật nào nó gặp trên đường.

Được biết, mới đây UBND huyện Krông Bông đã có văn bản yêu cầu các địa phương rà soát, thống kê số hộ nuôi chó, lập sổ theo dõi hộ nuôi và số chó nuôi; đẩy mạnh công tác tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo trên địa bàn huyện, đảm bảo đạt kế hoạch đề ra; tăng cường truyền thông về tính chất nguy hiểm của bệnh dại nhằm nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó với cộng đồng.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc