Multimedia Đọc Báo in

Phụ nữ xã Dang Kang nâng cao kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản

10:01, 27/08/2019

Nhờ tham gia các nhóm truyền thông sức khỏe, mô hình dân số, kế hoạch hóa gia đình, phụ nữ xã Dang Kang (huyện Krông Bông), nhất là các chị em dân tộc thiểu số đã có thêm những kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS), từ đó chủ động thực hiện kế hoạch hóa gia đình.

Tham dự các buổi truyền thông về CSSKSS do Hội LHPN xã tổ chức tại buôn và là một thành viên của Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc ở địa phương, chị H’Hoa Byă, ở buôn Cư Ko Êmong (xã Dang Kang) đã trang bị cho bản thân những kiến thức cơ bản về SKSS, làm mẹ an toàn, cũng như cách sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn, phòng ngừa bệnh lây truyền qua đường tình dục…

Chị H’Hoa chia sẻ: “Thời gian qua, tham gia sinh hoạt tại câu lạc bộ đều đặn, em đã biết quan tâm đến sức khỏe của bản thân hơn, nhất là SKSS. Khi bị bệnh phụ khoa em chủ động đến trạm y tế để được tư vấn, thăm khám và điều trị kịp thời. Em đã có 2 con rồi nên cũng chủ động sử dụng biện pháp tránh thai phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn để có điều kiện chăm sóc và nuôi dạy các con tốt hơn”.

Cán bộ Trạm Y tế xã Dang Kang tư vấn cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ về chăm sóc sức khỏe khi mang thai.
Cán bộ Trạm Y tế xã Dang Kang tư vấn cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ về chăm sóc sức khỏe khi mang thai.
Nếu như trước đây theo phong tục tập quán, đa số chị em dân tộc thiểu số đều sinh con tại nhà, thì đến năm 2018 chỉ còn 1 trường hợp. Đồng thời, nhờ chị em chủ động thăm khám sức khỏe khi mang thai nên không còn trường hợp trẻ em sinh ra có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe dẫn đến tử vong.

Không chỉ riêng chị H’Hoa, hầu hết phụ nữ trên địa bàn xã Dang Kang đều tích cực tham gia các mô hình, câu lạc bộ về sức khỏe, dân số kế hoạch hóa gia đình để có nhận thức đúng về CSSKSS, tình dục; chủ động thực hiện kế hoạch hóa gia đình cũng như biết cách tự chăm sóc và bảo vệ bản thân.

Theo bà Nguyễn Thị Hòe, Chủ tịch Hội LHPN xã Dang Kang, truyền thông nâng cao nhận thức về CSSKSS và tình dục cho phụ nữ và thanh niên dân tộc thiểu số là một nhiệm vụ quan trọng, không chỉ giúp cho các nữ thanh niên có thêm nhiều kiến thức, tự tin hướng đến hôn nhân tốt đẹp, hạn chế tình trạng có thai ngoài ý muốn, mà còn giúp các cặp vợ chồng ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục, chủ động thực hiện kế hoạch hóa gia đình.

Vì thế, từ năm 2017, với sự hỗ trợ của Dự án tổ chức xã hội cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và thanh niên dân tộc thiểu số (EC4), Hội LHPN xã đã tăng cường phối hợp với các ban, ngành đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, xây dựng các nhóm truyền thông, thành lập 2 câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”, 1 câu lạc bộ “Phụ nữ không sinh con thứ 3”. Thông qua các mô hình này đã tuyên truyền chủ trương, chính sách của nhà nước về hỗ trợ người dân tiếp cận với dịch vụ CSSKSS, trang bị cho chị em những kiến thức cơ bản về SKSS, làm mẹ an toàn, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, lợi ích của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân, cũng như hướng dẫn chị em thường xuyên đến trạm y tế thăm khám SKSS và thăm khám trong thời kỳ mang thai…

Cán bộ Trạm Y tế xã Dang Kang tư vấn cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ về chăm sóc sức khỏe khi mang thai.
Cán bộ Trạm Y tế xã Dang Kang tư vấn cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ về chăm sóc sức khỏe khi mang thai.

Dang Kang là xã đặc biệt khó khăn của huyện Krông Bông, dân số trên 7.200 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 58%, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ khoảng 2.000 người (riêng phụ nữ dân tộc thiểu số 1.650 người). Từ hoạt động của các mô hình, câu lạc bộ nói trên, nhận thức của người dân trên địa bàn nói chung, phụ nữ nói riêng đã có sự cải thiện đáng kể: Các cặp vợ chồng đã tự tìm đến cơ sở y tế để kiểm tra SKSS, trực tiếp gặp bác sĩ để tư vấn về dinh dưỡng và CSSK cho bà mẹ mang thai; tỷ lệ bà mẹ mang thai tiêm ngừa vắc xin đạt trên 90%; hơn 1.500 chị em trong độ tuổi sinh đẻ đã đến trạm y tế để khám, tư vấn và điều trị các bệnh phụ khoa, bệnh lây truyền qua đường tình dục. Đặc biệt, gần 900 chị em đã sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại để thực hiện kế hoạch hóa gia đình.

Đánh giá về sự đổi thay này, ông Nguyễn Văn Hiệp, Chủ tịch xã UBND xã Dang Kang cho biết: “Từ năm 2017 đến nay, với sự đồng hành của EC4 bên cạnh các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, vấn đề CSSKSS đối với phụ nữ trên địa bàn xã đã được quan tâm nhiều hơn và đạt được những kết quả đáng mừng. Đặc biệt, một thay đổi đáng kể đó là phụ nữ mang thai trên địa bàn đã chủ động đến cơ sở y tế để sinh con".

Kim Oanh – Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.