Tuân thủ tốt điều trị: Giải pháp duy trì cuộc sống cho bệnh nhân suy thận mạn
Thận có chức năng vô cùng quan trọng là lọc các chất độc trong máu và nước dư thừa trong cơ thể, bài tiết ra ngoài bằng nước tiểu, duy trì cân bằng muối và chất điện giải trong máu, điều chỉnh huyết áp. Suy thận mạn là tình trạng thận bị suy giảm chức năng không phục hồi, đe dọa tính mạng của người bệnh. Tuy nhiên, nếu tuân thủ tốt việc điều trị, người bệnh có thể có một cuộc sống như những người bình thường.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, suy thận mạn có nhiều nguyên nhân như: người mắc các bệnh lý về thận như viêm cầu thận cấp, viêm cầu thận mãn, hội chứng thận hư, sỏi thận…; người mắc bệnh lý thận đa nang di truyền; người mắc bệnh suy thận cấp nhưng không được điều trị kịp thời và triệt để…, song nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng suy thận mạn hiện nay là biến chứng của bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp.
Tại Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột, hiện có 170 bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối đang chạy thận nhân tạo, trong đó hơn một nửa là bệnh nhân đái tháo đường. Như ông Hà Đức A. (56 tuổi, ở phường Tân Thành) mắc bệnh đái tháo đường đã gần 10 năm. Cách đây một năm, ông An bị suy thận mạn giai đoạn cuối, phải chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột với tần suất 2 lần/tuần. Ông A. cho biết trong thời gian chữa bệnh, ông không kiểm soát tốt đường huyết, ăn uống, kiêng khem không đúng theo lời dặn của bác sĩ nên lâu dần bệnh biến chứng sang thận.
Bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột. |
Bệnh suy thận mạn hình thành và diễn tiến qua 5 giai đoạn. Ở giai đoạn đầu, mặc dù thận đã bị tổn thương nhưng bệnh nhân khó cảm nhận được, đến khi những triệu chứng bệnh rõ ràng hơn thì thường bệnh đã ở giai đoạn muộn với các biểu hiện như phù, thiếu máu, da xanh, nhợt nhạt, loãng xương, nhức mỏi cơ thể, nôn ói, khó thở, tăng huyết áp khó kiểm soát…
Bác sĩ CKI Trần Thanh Quí, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc (Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, khá nhiều bệnh nhân suy thận có nguyên nhân từ việc mắc các bệnh lý về thận trước đó nhưng khi thấy biểu hiện của bệnh họ không đi khám mà tự ý dùng các loại thuốc theo lời truyền miệng. Đây là việc làm vô cùng nguy hiểm.
Điển hình như trường hợp của bệnh nhân Y Điêm Trei (38 tuổi) ở huyện Lắk. Cách đây hai năm, anh Y Điêm nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh (nay là Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) trong tình trạng khó thở, đau đầu, nôn ói nhiều và được chẩn đoán bị suy thận mạn giai đoạn cuối, chuyển sang Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột để chạy thận nhân tạo. Anh Y Điêm cho biết trước đó anh có biểu hiện đi tiểu buốt, tiểu ra máu nhưng thay vì đi khám tại cơ sở y tế chuyên khoa, anh lại tự mua thuốc giảm đau về uống. Việc đó diễn ra nhiều lần trong suốt 5 năm cho đến khi anh phải nhập viện cấp cứu.
Với những người bình thường, để phòng tránh bệnh suy thận, mỗi người cần duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống điều độ, hạn chế ăn chất béo, thịt động vật, ăn nhiều rau xanh, hoa quả, uống từ 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày, tập thể dục thể thao đều đặn, hạn chế uống rượu, bia, không hút thuốc lá. |
Hiện có 3 phương pháp điều trị bệnh suy thận mạn, gồm: ghép thận, chạy thận nhân tạo và thẩm phân phúc mạc, trong đó chạy thận nhân tạo là phương pháp phổ biến nhất hiện nay. Khi có chỉ định chạy thận nhân tạo đồng nghĩa với việc bệnh đã ở giai đoạn cuối, không thể điều trị nội khoa. Ngoài ra, có một số trường hợp tuy chưa đến giai đoạn cuối nhưng nếu bệnh nhân có urê huyết cao, kèm theo nôn ói, tăng kali trong máu, huyết áp quá cao, không kiểm soát được hoặc vì một nguyên nhân nào đó khiến bệnh nhân bị phù phổi cấp, huyết độc, điều trị nội khoa thất bại thì bắt buộc phải chạy thận nhân tạo.
Theo bác sĩ Trần Thanh Quí, suy thận cấp có thể điều trị khỏi hoàn toàn và không để lại di chứng nhưng suy thận mạn là tình trạng thận không phục hồi chức năng, việc điều trị chỉ làm chậm diễn tiến của bệnh và ngăn ngừa các biến chứng. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân tuân thủ tốt việc điều trị thì chất lượng cuộc sống vẫn được bảo đảm và có tuổi thọ như những người bình thường. Việc tuân thủ điều trị bao gồm: Bệnh nhân phải thực hiện chạy thận định kỳ, đúng lịch, không được bỏ dở.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cần chú ý đến việc ăn uống: giảm lượng muối; hạn chế ăn các thực phẩm đóng hộp; không nên uống nhiều nước; không nên ăn các loại thực phẩm chứa nhiều kali như chuối, nho, sầu riêng, các loại thực phẩm có chứa nhiều vitamin C như cam, chanh, bưởi… Nên ăn các thực phẩm như các loại khoai, lòng trắng trứng gà, sữa đậu nành… Bệnh nhân cần cân bằng việc ăn uống, bảo đảm giữa hai lần chạy thận tăng không quá 1,5 kg cân nặng cơ thể… Đặc biệt, bệnh nhân đái tháo đường cần kiểm soát tốt đường huyết dưới 7,0 mmol/l, giữ huyết áp ở mức ổn định, mục tiêu là dưới 140/90 mmHg.
Thu Huế
Ý kiến bạn đọc