Ứng phó với dịch bệnh sốt xuất huyết
Những ngày qua, số người mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh đang gia tăng đột biến, tỷ lệ ca bệnh vào viện trong tình trạng nặng tăng cao khiến các cơ sở y tế rơi vào tình trạng quá tải. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương người dân vẫn còn lơ là với việc phòng chống dịch bệnh này.
Bệnh nhân nhập viện ồ ạt, số ca bệnh nặng tăng cao
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ đầu năm đến ngày 31-7, toàn tỉnh ghi nhận 8.031 trường hợp mắc SXH. Bệnh xuất hiện tại tất cả 15 huyện, thị xã, thành phố, trong đó tập trung chủ yếu tại một số địa bàn trọng điểm gồm TP. Buôn Ma Thuột (3.115 ca) và các huyện Buôn Đôn (957 ca), Krông Năng (922 ca), Cư M’gar (623 ca). Dù chưa phải là đỉnh dịch, nhưng những ngày gần đây, số bệnh nhân mắc SXH nhập viện tăng mạnh với trung bình 150 ca mỗi ngày, thậm chí cá biệt có ngày lên đến gần 300 ca và số ca bệnh vào viện trong tình trạng có dấu hiệu cảnh báo, nặng tăng cao. Đặc biệt, chỉ trong vòng một tuần trở lại đây, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong do SXH.
Cán bộ y tế tuyên truyền cho người dân về các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết. |
Ghi nhận tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) vùng Tây Nguyên cho thấy, với lượng bệnh SXH vào viện liên tục tăng, trung bình mỗi ngày có khoảng 60 bệnh nhân nhập viện, cao điểm có ngày lên đến 90 bệnh nhân. Hiện các buồng bệnh đã chật kín bệnh nhân, thậm chí bệnh nhân phải nằm ghép 2 người chung một giường bệnh và nằm điều trị trên giường xếp ngoài hành lang.
Bác sĩ Phạm Hồng Lâm, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, BVĐK vùng Tây Nguyên cho biết, từ đầu năm đến nay, khoa đã tiếp nhận và điều trị cho gần 1.600 bệnh nhân SXH, trong số đó đã xuất hiện nhiều trường hợp bệnh nhân trong tình trạng nặng như: sốc, suy đa tạng, thiếu tiểu cầu nặng. Hiện tại khoa đang ở trong tình trạng quá tải do bệnh nhân SXH tăng đột biến, dẫn đến cơ sở vật chất và nhân lực không đủ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh.
Không chỉ riêng BVĐK vùng Tây Nguyên, nhiều bệnh viện khác trong tỉnh cũng ở trong tình trạng quá tải bệnh nhân SXH. Tại BVĐK huyện Krông Bông, dù không phải là địa bàn trọng điểm của SXH, song những ngày qua, lượng bệnh nhân vào viện cũng tăng cao. Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện, tính từ đầu năm đến ngày 2-8, toàn huyện ghi nhận 96 ca mắc SXH, tăng gần 200% so với cùng kỳ năm 2018. Hiện đã có 7/14 xã, thị trấn có ca bệnh, gồm thị trấn Krông Kmar và các xã Yang Reh, Khuê Ngọc Điền, Hòa Lễ, Hòa Sơn, Cư Kty, Cư Pui.
Theo bác sĩ Bùi Khắc Toàn, Khoa Nội, BVĐK huyện Krông Bông, khoảng 2 tuần trở lại đây, lượng bệnh nhân mắc SXH vào khoa liên tục tăng, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 10 ca bệnh và hiện đang điều trị 20 bệnh nhân nội trú. Bệnh nhân nhập viện ngày một nhiều dẫn đến tình trạng quá tải bệnh nhân. Bác sĩ Nguyễn Đức Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Krông Bông nhận định, bệnh SXH năm nay đến sớm hơn so với mọi năm. Ngoài nguyên nhân do chu kỳ của dịch quay trở lại thì năm nay mưa đến sớm và lượng mưa không đều đã tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi gây bệnh phát triển mạnh khiến cho tỷ lệ ca bệnh tăng cao.
Ngành Y tế tích cực ứng phó
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh SXH, ngành Y tế tỉnh đã triển khai các biện pháp cấp bách để phòng chống dịch bệnh này. Mới đây nhất, Sở Y tế đã tổ chức hội nghị chuyên môn để các chuyên gia đầu ngành ở các bệnh viện trong toàn tỉnh thảo luận, phân tích diễn tiến, nguyên nhân và tìm ra các biện pháp để hạn chế thấp nhất số mắc mới cũng như tử vong do SXH.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Huyên, Trưởng Phòng Kế hoạch nghiệp vụ Y, Sở Y tế
|
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Huyên, Trưởng Phòng Kế hoạch nghiệp vụ Y, Sở Y tế thì hiện nay BVĐK TP. Buôn Ma Thuột và các huyện Buôn Đôn, Cư M'gar, Buôn Hồ, Krông Năng, Ea H’leo là những đơn vị đang chịu áp lực bệnh nhân SXH nhập viện điều trị.
Qua theo dõi, tỷ lệ bệnh nhân SXH chuyển độ ở các bệnh viện tuyến huyện chỉ khoảng 10%, còn hầu hết bệnh nặng đều vào điều trị tại BVĐK vùng Tây Nguyên. Vì thế, tại BVĐK vùng Tây Nguyên có 4 khu vực điều trị bệnh nhân, gồm: Khoa Truyền nhiễm, Khoa Nhi tổng hợp, Khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh, Khoa Hồi sức tích cực chống độc với khoảng 500 giường bệnh dành riêng cho điều trị SXH.
Bên cạnh đó, bệnh viện cũng phân khu vực điều trị theo chuyên môn đối với từng loại bệnh như bệnh nhân SXH Dengue nhập viện, bệnh nhân SXH Dengue có dấu hiệu cảnh báo, bệnh nhân có sốt xuất huyết trên nền bệnh khác và bệnh nhân SXH chuyển sang dấu hiệu SXH nặng có sốc, xuất huyết, suy đa tạng. Trước thực tế cán bộ, y bác sĩ ở 4 khoa này đang làm việc trong tình trạng quá tải, Sở Y tế đã chỉ đạo cho bệnh viện điều động nhân sự ở các khoa khác sang hỗ trợ. Ngoài ra, Sở Y tế cũng đã làm việc với BVĐK vùng Tây Nguyên về việc tập trung vận động hiến máu tình nguyện, thu gom máu, chuẩn bị sẵn về máu, huyết tương tươi, tiểu cầu, hồng cầu để chuẩn bị cho việc điều trị bệnh nhân.
Một bệnh nhân bị sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Bông. |
Cùng với việc tăng cường công tác điều trị, hạn chế số ca bệnh chuyển nặng và tử vong do SXH, công tác dự phòng cũng được đẩy mạnh nhằm khống chế không cho dịch bệnh lan rộng. Bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh chia sẻ: “Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của tỉnh đã có cuộc họp khẩn cấp để đưa ra những biện pháp ứng phó với dịch SXH trên địa bàn. Biện pháp lớn nhất là sẽ tiến hành chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy trên toàn tỉnh, bắt đầu từ tháng 8 và kéo dài đến hết năm. Đồng thời tăng cường cán bộ xuống các xã để xử lý dứt điểm các ổ dịch nhỏ, ổ dịch trọng điểm và phun hóa chất chủ động ở những nơi có nguy cơ cao, đặc biệt là những điểm có số lượng bệnh nhân tăng, hoặc có các chỉ số lăng quăng, muỗi cao”.
Một biện pháp cũng không kém phần quan trọng là tăng cường truyền thông để người dân biết cách phòng chống bệnh SXH. Đối với biện pháp này, Trung tâm Y tế huyện Krông Bông đã có công văn gửi đến UBND, Trạm Y tế các xã, thị trấn đề nghị tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch bệnh SXH; cử cán bộ phụ trách theo từng địa bàn để giám sát, nắm bắt tình hình bệnh SXH tại các xã, thôn, buôn, tổ dân phố và hướng dẫn người dân đến cơ sở y tế khám, điều trị nếu có sốt hoặc nghi ngờ bị SXH.
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đã thành lập các đội đáp ứng nhanh, thường trực công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn huyện; tổ chức các lớp tập huấn phòng, chống bệnh SXH; tăng cường hiệu quả về công tác tuyên truyền, giám sát, phát hiện sớm đến từng hộ gia đình về cách phòng, chống bệnh SXH; phối hợp với các địa phương tổ chức các buổi tuyên truyền trực tiếp cung cấp cho người dân những kiến thức cơ bản về phòng, chống bệnh SXH…
Kim Oanh – Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc