Multimedia Đọc Báo in

Không nên chủ quan với bệnh nấm da đầu

08:37, 22/09/2019

Nấm da đầu là một dạng bệnh da liễu thường gặp ở cả nam và nữ. Bệnh gây ra tình trạng ngứa, tróc vảy, rụng tóc ảnh hưởng nặng nề đến thẩm mỹ và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tuy nhiên, do chủ quan, hiểu chưa đúng bệnh nên nhiều trường hợp bị nấm da đầu điều trị theo phương pháp dân gian, truyền miệng khiến da đầu bị viêm nặng, rụng tóc và sẹo vĩnh viễn.

Nấm da đầu là tình trạng nhiễm nấm của da đầu và thân sợi tóc. Bệnh thường phát sinh do điều kiện vệ sinh cá nhân kém, không sạch sẽ, hoặc lười vệ sinh da đầu, mồ hôi tiết ra kết hợp với tế bào da chết là điều kiện thuận lợi cho nấm gây bệnh.  Vì vậy, cần hạn chế để đầu tóc quá bẩn hoặc để tóc ướt đi ngủ. Nhiễm nấm da đầu có thể lây từ người này sang người khác do chung đồ vật như: mũ, khăn, mặc chung quần áo, chung chăn màn... Nấm có thể tồn tại dai dẳng ở vật dụng bị nhiễm.

Bác sĩ CKI Hoàng Nguyên Duy, Giám đốc Trung tâm Da liễu tỉnh cho biết, nguyên nhân gây bệnh thường do các vi nấm sợi tơ như Micro-sporum canis và Trichophyton tonsurans gây ra. Ở giai đoạn đầu xuất hiện gàu nhiều nên nhiều người chủ quan, chỉ mua dầu gội về gội mà không điều trị; đến khi xuất hiện triệu chứng ngứa, da đầu nổi mụn đỏ, thậm chí rụng tóc mới đến cơ sở y tế khám thì đã ở giai đoạn muộn. Rụng tóc là một dấu hiệu muộn của bệnh nấm da đầu, ban đầu tóc sẽ rụng ít nhưng thời gian kéo dài tóc sẽ rụng với một số lượng lớn. Tóc thường rụng nhiều nhất khi gội đầu hoặc khi chải tóc; vì vậy thời điểm này ngoài việc điều trị nấm đầu ra thì người bệnh cũng nên chú ý nhẹ nhàng khi chăm sóc da đầu, hạn chế tóc gãy rụng.

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Trẻ em từ 3 - 7 tuổi rất dễ bị lây nhiễm bệnh nấm da đầu, trẻ trai dễ mắc bệnh hơn trẻ gái. Trung tâm Da liễu tỉnh tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến khám trong tình trạng sốt, mệt mỏi; trên da đầu là những mảng da hình tròn, ngứa, có vảy màu trắng xám, tóc gãy, rụng tạo thành hình “chấm đen” trên da đầu. Các mảng da lớn dần tạo thành mảng rụng tóc lớn. Nghiêm trọng hơn, nhiều trường hợp nặng còn bị đau; đầu có mùi hôi, mụn mủ, sẩn, đóng mày, viêm đỏ; thậm chí bị hạch cổ và có triệu chứng toàn thân đi kèm như sốt, mệt mỏi.

Khi mới mắc bệnh, nhiều người chủ quan điều trị bằng các loại lá thảo dược, đắp lá và chỉ nhập viện khi bệnh ở giai đoạn nặng, rụng tóc. Bệnh ở mức độ nhẹ có thể trị khỏi bằng thuốc kháng nấm tại chỗ và toàn thân; bệnh nặng sẽ bị sẹo và mất tóc vĩnh viễn.

Bác sĩ Hoàng Nguyên Duy khuyến cáo, để hạn chế tình trạng lây lan của bệnh, cần giữ vệ sinh sạch sẽ, đặc biệt những nơi như nhà trẻ, trường học. Gội đầu sạch hằng ngày, không cào gãi mạnh làm xây xước da đầu, phải xả nước sạch nhiều lần khi gội đầu và luôn giữ cho tóc khô ráo, sạch sẽ. Một điều cần chú ý là không nên đội các loại mũ quá chật, đội mũ trong thời gian quá lâu khiến tóc bị ẩm, dễ tạo điều kiện thuận lợi cho nấm phát triển gây bệnh. Không nên dùng chung khăn lau, lược chải tóc, mũ đội đầu của người khác, đặc biệt là người tóc có nhiều gàu hoặc các biểu hiện của bệnh nấm da đầu.

Nấm da đầu dễ lây lan, vì vậy khi thấy có dấu hiệu của bệnh như: trên đầu xuất hiện nhiều gàu kèm theo các dấu hiệu như ngứa, tóc bết và có mùi, xuất hiện mụn đỏ... nên đi khám ngay để tìm ra nguyên nhân và cách điều trị phù hợp nhất. Tuyệt đối không được cào và gãi mạnh da đầu để tránh gây tổn thương và khiến gàu, nấm lan rộng hơn. Không tự ý mua thuốc uống và bôi khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và luôn nâng cao sức đề kháng cho cơ thể cũng là một trong những cách phòng bệnh.

Liên Chi


Ý kiến bạn đọc