Multimedia Đọc Báo in

Nhận biết và điều trị sớm bệnh thoái hóa khớp

09:27, 21/09/2019

Thoái hóa khớp là một bệnh lý mạn tính, xảy ra chủ yếu ở người trung niên và người cao tuổi. Bệnh xảy ra do tình trạng lão hóa của xương khớp hoặc sụn khớp, phải chịu áp lực quá tải trong một thời gian dài. Bệnh này làm giảm chức năng vận động và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Nhận biết sớm các triệu chứng sẽ giúp người bệnh tìm được cách điều trị phù hợp, tránh những biến chứng nguy hiểm tiềm ẩn.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, hơn 10% dân số tuổi trung niên tương đương với hàng trăm triệu người bị hạn chế khả năng vận động do bị thoái hóa khớp. Còn tại Việt Nam, thoái hóa khớp chiếm 10,41% các bệnh về xương khớp.

Theo các bác sĩ chuyên khoa xương khớp, thoái hóa khớp là hiện tượng sụn và xương dưới sụn bị tổn thương gây viêm nhiễm khiến người bệnh đau đớn. Vị trí bị thoái hóa khớp thường gặp nhất là thoái hóa khớp gối, thoái hóa cột sống thắt lưng và thoái hóa cột sống cổ. Ở giai đoạn mới bị thoái hóa, các cơn đau biểu hiện không rõ ràng nên nhiều người thường bỏ qua hoặc chỉ dùng thuốc giảm đau để đối phó. Tuy nhiên, đây chính là nguyên nhân khiến bệnh thoái hóa khớp tiến triển nặng hơn, xuất hiện nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe, như: đau nhức xương khớp toàn thân, teo cơ, biến dạng khớp…

Bệnh nhân bị thoái hóa khớp điều trị tại khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
Bệnh nhân bị thoái hóa khớp điều trị tại khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Bác sĩ Tạ Văn Nhạn, Trưởng Khoa Y học cổ truyền (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) cho biết: Có nhiều nguyên nhân gây nên bệnh thoái hóa khớp, tuy nhiên bệnh này thường xảy ra với những người có độ tuổi trên 40, hoặc tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng lớn. Ngoài ra, những người mắc bệnh béo phì, dị tật bẩm sinh, có yếu tố di truyền hoặc những người có chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt, làm việc, sử dụng thuốc không hợp lý cũng có nguy cơ dễ mắc bệnh thoái hóa khớp hơn so với những người bình thường. Bệnh thoái hóa khớp thường có những triệu chứng: Đầu tiên người bệnh sẽ thấy đau âm ỉ hoặc đau từng cơn, hoặc đau tê lan xuống hai tay và hai chân. Với những người bị thoái hóa khớp gối, khi vận động, người bệnh có thể nghe thấy tiếng kêu lạo xạo ở đầu gối. Khi quá trình thoái hóa khớp tăng dần lên, sụn khớp bị bào mòn, không được can thiệp sớm, kèm theo các tổn thương dưới sụn làm xương dày lên, khe khớp hẹp lại, khớp biến dạng, hoặc khớp có thể bị sưng, các cơ xung quanh trở nên mỏng và yếu đi gây khó khăn khi vận động. Vì vậy việc can thiệp, điều trị sớm là biện pháp cần thiết để làm giảm và ngăn chặn quá trình thoái hóa.

Bệnh thoái hóa khớp có thể điều trị bằng phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc. Với phương pháp dùng thuốc, các loại thuốc chữa thoái hóa khớp có thể cắt cơn đau nhanh chóng, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu ngay sau đó, tuy nhiên chúng lại tiềm ẩn tác dụng phụ, ảnh hưởng đến chức năng gan, thận, hệ tiêu hóa…

Còn với phương pháp điều trị không dùng thuốc, người bệnh có thể được vật lý trị liệu, chườm nóng, châm cứu, chiếu tia hồng ngoại hoặc luyện tập nhẹ nhàng từ đó giúp tăng tuần hoàn tại vị trí đau, có tác dụng giảm viêm hay làm giãn mềm cơ hoặc sẽ làm mềm các tổ chức bị xơ cứng trong tình trạng các khớp bị viêm lâu ngày. Với phương pháp này, việc điều trị không có tác dụng phụ, chi phí điều trị thấp nên các bác sĩ thường khuyên người bị thoái hóa khớp điều trị bằng y học cổ truyền để mang lại hiệu quả cao hơn.

Như trường hợp bà Lê Thị Ngân (55 tuổi, ở phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) bị thoái hóa khớp từ nhiều năm nay. Lúc đầu cánh tay bên phải thường xuyên bị đau nhức, sau đó thì bả vai và cánh tay trái cũng bị đau, nhức tương tự, tay không cử động được. Bà đến bệnh viện khám và được chẩn đoán bị thoái hóa khớp. Hiện bà đang được điều trị bằng y học cổ truyền tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Bà chia sẻ: “Hằng ngày, được các bác sĩ xoa bóp, bấm huyệt, tập vật lý trị liệu nên bệnh cải thiện lên rất nhiều. Trước đây, mỗi khi đau nhức tôi mua thuốc giảm đau về uống song chỉ giảm đau tức thời, hết thuốc bệnh lại tái diễn. Cũng vì chần chừ đi điều trị mà bệnh mới tiến triển nặng”. Còn ông Hồ Sĩ Nghĩa (51 tuổi, ở xã Ea Toh, huyện Krông Năng) bị cứng khớp vai bên trái. Đến bệnh viện trong tình trạng khớp bị dính làm hạn chế hoạt động khớp vai, sau thời gian điều trị bằng phương pháp siêu âm trị liệu kết hợp tập vận động bằng dụng cụ tại khoa Y học cổ truyền (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), khớp bả vai của ông Nghĩa đã được cải thiện nhiều.

Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng bệnh hoặc làm chậm quá trình thoái hóa khớp, mọi người cần duy trì trọng lượng cơ thể ở mức độ thích hợp, tránh dư cân, béo phì; thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để giúp giữ các khớp linh hoạt; giữ cơ thể luôn thẳng và cân bằng, tránh những sức ép, những động tác quá mạnh không cân đối lên khớp. Đặc biệt, cần có chế độ sinh hoạt, làm việc, nghỉ ngơi hợp lý; ăn uống đủ các nhóm dưỡng chất, nhất là từ sau độ tuổi 40. Khi có các dấu hiệu đau, cứng ở các khớp, cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và có phương pháp điều trị thích hợp.

Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc