Cuối mùa, bệnh sốt xuất huyết vẫn hoành hành
Mặc dù thời tiết đang dần chuyển sang mùa khô, mưa đã giảm mạnh, song bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp với số mắc cao và số người tử vong do sốt xuất huyết tăng.
Ráo riết phòng chống sốt xuất huyết
Mới đây, trên địa bàn tỉnh vừa tiếp tục có thêm một trẻ em tại huyện Ea Súp tử vong do bệnh SXH, nâng tổng số ca tử vong do bệnh này từ đầu năm đến nay lên 4 trường hợp (gồm 3 trẻ em và 1 người lớn). Hiện không phải là thời điểm đỉnh dịch và mùa mưa cũng sắp đi qua, song tại nhiều địa phương, tình trạng bệnh nhân mắc SXH vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Điều này càng cho thấy những diễn biến phức tạp của bệnh SXH tại tỉnh ta.
Cán bộ y tế tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh SXH. |
Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Quang Trí, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Từ đầu năm đến ngày 21-10, toàn tỉnh ghi nhận 20.741 ca bệnh SXH, bằng 75% tổng số mắc cộng dồn trong 13 năm trước đó (giai đoạn 2006-2018 toàn tỉnh ghi nhận khoảng 34.000 ca bệnh SXH). Các địa bàn trọng điểm của SXH vẫn là TP. Buôn Ma Thuột (7.363 ca), huyện Cư M’gar (2.892 ca), huyện Buôn Đôn (2.492 ca), huyện Krông Năng (1.820 ca). Trong vài tuần trở lại đây, tuy số ca bệnh có giảm hơn thời điểm tháng 8 và tháng 9, nhưng con số khoảng 500-600 ca mắc mới mỗi tuần vẫn cao hơn rất nhiều so với số mắc trung bình ở thời điểm này của những năm trước”.
Bác sĩ
Phạm Hồng Lâm, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên
|
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh SXH, ngành Y tế đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh này như duy trì các hoạt động giám sát phát hiện bệnh nhân, giám sát tác nhân gây bệnh, giám sát côn trùng truyền bệnh và các yếu tố gây dịch; ra quân phát động chiến dịch diệt lăng quăng (bọ gậy), kêu gọi người dân hưởng ứng vệ sinh môi trường, phòng chống SXH; tích cực thực hiện các đợt phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành…
Thông qua các biện pháp này, ngành Y tế đã kiểm soát và xóa được nhiều điểm nguy cơ có thể phát sinh lăng quăng trong cộng đồng. Tuy nhiên, nhìn nhận trên thực tế, ngành chức năng chỉ kiểm soát được các điểm nguy cơ ở nơi công cộng, còn những điểm dễ phát sinh lăng quăng ở trong các hộ gia đình như bể cá, bình bông, ly nước để trên bàn thờ, lu chứa nước… lại phụ thuộc phần lớn vào sự chung tay, ý thức phòng ngừa của người dân. Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Quang Trí cho biết thêm: “Bệnh SXH thường bắt đầu vào tháng 6, đỉnh cao là tháng 8, sau đó sẽ giảm dần. Tuy nhiên, năm nay bệnh xuất hiện ngay từ đầu năm và kéo dài. Thời tiết mưa xen lẫn những ngày nắng là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH phát triển. Vì thế một trong những biện pháp phòng chống SXH chủ yếu được thực hiện xuyên suốt là vận động cộng đồng diệt lăng quăng (bọ gậy), vệ sinh môi trường loại bỏ nơi trú ngụ của muỗi”.
Không thể chủ quan
Trước đây, SXH được xếp là bệnh của trẻ em, bởi hơn 90% trường hợp mắc bệnh ở trẻ dưới 15 tuổi. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ở nước ta, tình hình SXH diễn biến rất phức tạp, không những ở trẻ em mà người lớn cũng mắc, với tỷ lệ gần tương đương nhau. Đặc biệt, nhiều trường hợp do chủ quan, lơ là khi có những dấu hiệu nghi ngờ mắc SXH, không phát hiện kịp thời, điều trị đúng cách dẫn đến biến chứng nguy hiểm. Trên thực tế, những bệnh nhân mắc SXH tử vong thời gian qua trên địa bàn hầu như đều do chủ quan, tự điều trị tại nhà, đến bệnh viện trễ, lúc này bệnh đã ở trong tình trạng quá nặng, khó có thể cứu sống.
Ngành Y tế phun hóa chất diệt muỗi tại địa bàn có nguy cơ cao. |
Bác sĩ Phạm Hồng Lâm, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết: "Bệnh SXH thường có biểu hiện sốt cao đột ngột, tình trạng sốt kéo dài từ 2 đến 7 ngày, khó hạ sốt, kèm theo đó là tình trạng đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu và có thể nổi mẩn, phát ban ngoài da. Ở thể bệnh nặng người bệnh sẽ bị chảy máu mũi, chảy máu chân răng, bầm tím ở chỗ tiêm, nôn ra máu, đi cầu phân đen do bị xuất huyết nội tạng, đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng…".
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc