Đề phòng cong vẹo cột sống ở lứa tuổi học sinh
Khi trẻ đi học, ngồi sai tư thế, bàn ghế không phù hợp với chiều cao của học sinh, đeo cặp sách quá nặng, không đều hai bên hoặc nơi ngồi học thiếu ánh sáng khiến học sinh phải cúi đầu khi đọc, khi viết… khiến cho trẻ dễ mắc bệnh cong vẹo cột sống. Tuy nhiên, do bệnh tiến triển từ từ, kéo dài khiến phụ huynh chủ quan không để ý và hậu quả là trẻ phải gánh chịu tổn hại về sức khỏe.
Theo số liệu thống kê, tại Việt Nam tật cong vẹo cột sống chiếm tỷ lệ từ 15- 25% các bệnh học đường thường gặp phải ở trẻ em. Cong vẹo cột sống là tình trạng cột sống bị nghiêng, lệch về một phía hoặc bị cong về phía trước hay phía sau khiến trẻ có ngoại hình không cân đối, gây mặc cảm cho trẻ và hạn chế các hoạt động xã hội. Trường hợp trẻ bị nặng, lồng ngực sẽ bị lép do xương sườn xẹp, chèn ép tim, phổi. Phổi bị xẹp, giảm dung tích phổi, hạn chế sức thở gây suy hô hấp, có thể dẫn đến suy tim, phù, khó thở. Ở giai đoạn muộn, các cơ quan trong ổ bụng cũng bị chèn ép và có cả các dấu hiệu chèn ép thần kinh.
Theo các chuyên gia y tế, trẻ càng nhỏ mà bị cong vẹo cột sống thì những biến dạng cột sống và các cơ quan trong cơ thể càng nặng. Trẻ trước 10 tuổi bị cong vẹo cột sống thường tiên lượng nặng, bệnh nhân khó sống qua tuổi 30. |
Cong vẹo cột sống ở tuổi học sinh có thể phát sinh do sự sai lệch tư thế như: ngồi học không đúng tư thế, không ngay ngắn, nằm, quỳ, nghiêng khi học bài; ngồi học trên bàn ghế không phù hợp với lứa tuổi, mang cặp sách quá nặng về một bên tay, vai; ánh sáng kém khiến học sinh phải cúi đầu khi đọc, viết…
Ngồi học sai tư thế không chỉ gây ra cong vẹo cột sống mà có thể dẫn đến những rối loạn cơ xương khác và nguy cơ mắc tật cận thị cao. Khi thấy trẻ có các biểu hiện như hai vai dốc không đều, bên cao bên thấp; xương bả vai nhô ra, khoảng cách từ hai mỏm xương bả vai đến gai đốt sống không bằng nhau; hai tam giác eo tạo ra giữa cánh tay và thân không đều nhau, bên rộng bên hẹp; mào chậu bên thấp bên cao; hai thăn lưng mất cân đối hoặc có ụ lồi do cột sống bị xoắn vặn, xương sườn lồi lên thì các bậc phụ huynh cần đưa trẻ tới khám bác sĩ chuyên khoa vì các trường hợp vẹo cột sống nhẹ cũng có thể diễn tiến âm thầm thành cong vẹo cột sống nặng hoặc rất nặng.
Để đề phòng cong vẹo cột sống nên cho trẻ ngồi ngay ngắn đúng tư thế, bàn ghế có chiều cao phù hợp. |
Để phòng tránh cong vẹo cột sống cho trẻ, các bậc cha mẹ cần bảo đảm đúng tư thế ngồi học cho trẻ: Khi ngồi, hai bàn chân được đặt ngay ngắn, vững chắc trên sàn, giữa cẳng chân và đùi tạo thành một góc là 90 độ, có thể dao động trong khoảng 75 -105 độ, thân thẳng, đầu và cổ hơi ngả về phía trước, hai tay để ngay ngắn trên mặt bàn. Nơi học tập ở trường phải đảm bảo chiếu sáng tự nhiên và chiếu sáng nhân tạo, chú trọng thực hiện việc nghỉ giải lao giữa các tiết học.
Ở nhà, ngoài hệ thống chiếu sáng chung, gia đình cũng cần trang bị đèn ở góc học tập cho con em để đảm bảo ánh sáng tốt hơn. Không cho trẻ mang cặp sách quá nặng, trọng lượng cặp sách không nên vượt quá 15% trọng lượng cơ thể. Cặp phải có hai quai, khi sử dụng học sinh đeo đều hai vai, tránh đeo lệch về một phía. Đồng thời cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý, tính đa dạng về giá trị dinh dưỡng của mỗi bữa ăn nhất là các bữa chính, đảm bảo thời gian ngủ cần thiết theo từng lứa tuổi. Ngoài ra nên cho trẻ khám định kỳ để phát hiện sớm các trường hợp cong vẹo cột sống nhằm có cách xử trí và phòng bệnh kịp thời.
Phương Nhiên
Ý kiến bạn đọc