Chế độ dinh dưỡng cho người mắc bệnh tiểu đường
Tiểu đường là bệnh mạn tính và có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Bệnh gây nên một loạt các rối loạn về chuyển hóa trong cơ thể, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.
Điều trị tiểu đường là quá trình lâu dài và cực khổ, trong đó duy trì chế độ ăn uống và dinh dưỡng hợp lý đóng vai trò quan trọng.
Bệnh tiểu đường là căn bệnh khởi phát do thiếu hụt hoặc không đáp ứng đủ insulin và có liên quan chặt chẽ đến chế độ ăn uống. Khi insulin không đủ, các chất dinh dưỡng như glucose hấp thụ thông qua thức ăn không được sử dụng và tế bào của cơ thể bị thiếu dinh dưỡng. Mặt khác, glucose không được sử dụng tiếp tục tăng lên và tích tụ nhiều trong máu. Tình trạng này gây ra tăng đường huyết và nếu tiếp diễn, các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Cách phòng ngừa vấn đề này là bệnh nhân cần phải điều chỉnh lượng thức ăn hấp thụ và thay đổi cách ăn uống để không thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết. Việc thay đổi và điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp với từng người chính là chế độ dinh dưỡng cho người bị bệnh tiểu đường.
Bà Như Thị Thu Nguyệt (phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) mắc bệnh tiểu đường đã lâu. Bà ăn ít cơm nhưng lại ăn nhiều miến và khoai củ… nên các bác sĩ đã khuyến cáo bà nên cân bằng lại chế độ dinh dưỡng và luyện tập để mang lại hiệu quả điều trị cao hơn.
Ông Cao Văn Thắng (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) cũng mắc bệnh tiểu đường. Hằng ngày ông vẫn ăn uống đầy đủ, chỉ hạn chế những chất tinh bột và đường mía, cùng với đó là luyện tập thể dục hợp lý. Nhờ vậy, lượng đường huyết của ông rất ổn định.
Người bị bệnh tiểu đường nên có một chế độ dinh dưỡng hợp lý và an toàn. Ảnh minh họa |
Có thể nói, bên cạnh việc dùng thuốc để hạn chế lượng đường huyết, người bệnh cần phải có chế độ dinh dưỡng kết hợp vận động hợp lý. Thực tế nhiều bệnh nhân khi bị tiểu đường rất sợ ăn, kiêng cữ nhiều, không dám ăn nhiều loại thực phẩm. Điều đó khiến cơ thể thiếu dinh dưỡng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mà hiệu quả điều trị không cao.
Hiệp hội Đái tháo đường thế giới đã tổng hợp và đưa ra các khuyến nghị về chế độ ăn uống lành mạnh phòng ngừa bệnh tiểu đường như sau: chọn nước, cà phê hoặc trà thay vì chọn nước ép trái cây có đường, nước ngọt hoặc đồ uống có đường khác; ăn ít nhất ba suất rau và trái cây tươi mỗi ngày; chọn trái cây hoặc sữa chua không đường cho bữa ăn nhẹ; hạn chế đồ uống có cồn; chọn thịt nạc trắng, thịt gia cầm hoặc hải sản thay vì thịt đỏ hoặc thịt chế biến sẵn; chọn bơ đậu phộng thay vì chọn socola hoặc mứt; chọn bánh mì, gạo hoặc mì ống nguyên cám thay vì bánh mì trắng, gạo hoặc mì ống; chọn chất béo không no (dầu ô liu, dầu ngô, dầu hướng dương) thay vì chất béo bão hòa (bơ, chất béo động vật, dầu dừa, dầu cọ)…
Phượng Vũ
Ý kiến bạn đọc