Multimedia Đọc Báo in

Hiểu về bệnh đái tháo đường để phòng biến chứng

08:37, 26/11/2019

Đái tháo đường (ĐTĐ) thường gọi là bệnh tiểu đường, hiện là căn bệnh phổ biến tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều người thiếu kiến thức về căn bệnh này; đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều bệnh nhân ĐTĐ phải đối mặt với sự nguy hiểm về sức khỏe.

Theo Liên đoàn ĐTĐ quốc tế, hiện nay trên thế giới, trung bình cứ 11 người thì có 1 người mắc bệnh ĐTĐ, trong đó gần một nửa số người mắc bệnh chưa được chẩn đoán và điều trị, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu kiến thức và điều kiện sống không bảo đảm. Việc không được phát hiện, chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ khiến bệnh diễn tiến nhanh, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Điển hình như trường hợp của ông Đào Văn Toàn (52 tuổi, ở xã Ea Đar, huyện Ea Kar). Tháng 5-2019, ông Toàn phải nhập viện cấp cứu vì bị đột quỵ do biến chứng của bệnh ĐTĐ. Tuy nhiên, sau 6 tháng xuất viện, ông Toàn lại phải nhập viện vì lượng đường trong máu tăng quá cao gây suy nhược cơ thể. Bà Đào Thị Hằng, vợ ông Toàn cho biết sau khi xuất viện, ông Toàn không kiêng cữ theo lời dặn của bác sĩ, ăn nhiều, uống nhiều nhưng cơ thể ngày càng gầy yếu.

Cũng theo bà Hằng, trước lúc phát hiện bệnh, cả hai vợ chồng đều không biết ĐTĐ là bệnh gì, nhiều lần Trung tâm Y tế huyện tổ chức khám, tầm soát bệnh ĐTĐ và tăng huyết áp tại địa phương nhưng ông Toàn chưa bao giờ đi khám. Đây là nguyên nhân khiến ông không được phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.

Bệnh nhân ĐTĐ điều trị tại tại khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
Bệnh nhân ĐTĐ điều trị tại tại khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Ông Nguyễn Xuân Diệu (70 tuổi, ở xã Ea Phê, huyện Krông Pắc) phát hiện mình mắc bệnh ĐTĐ cách đây hơn hai năm và vừa phải nhập viện điều trị viêm loét bàn chân do biến chứng của căn bệnh này. Theo các bác sĩ tại khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), dù mắc bệnh nhưng bệnh nhân Diệu không kiểm soát tốt đường huyết nên bệnh gây biến chứng tê bì tay chân;  mất cảm giác khiến bệnh nhân không phát hiện ra các vết thương, đến khi có cảm nhận thì biến chứng đã trở nặng. Cũng như ông Toàn, trước đó ông Diệu cũng không có kiến thức về bệnh ĐTĐ.

ĐTĐ là bệnh lý nội khoa, do rối loạn chuyển hóa insulin trong cơ thể. Insulin là chất được tiết ra từ tuyến tụy giúp cân bằng lượng đường trong máu. Khi tuyến tụy bị suy yếu, insulin tiết ra không đủ thì lượng đường trong máu tăng cao, đến một mức độ nào đó sẽ bị đào thải ra nước tiểu, gây nên bệnh ĐTĐ. Theo bác sĩ Trần Hoàng Hải, khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), triệu chứng của bệnh ĐTĐ ở giai đoạn đầu khá mơ hồ. Bệnh nhân thường tình cờ phát hiện khi đi khám một căn bệnh khác hoặc khi tham gia tầm soát bệnh tại cộng đồng. Đến khi có các triệu chứng rõ rệt như ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, sụt cân nhiều, mệt mỏi nhiều… thì bệnh đã trở nặng. Hiện nay nhận thức của người dân về căn bệnh này còn hạn chế nên khá nhiều trường hợp nhập viện khi bệnh đã gây ra nhiều biến chứng như tăng huyết áp, viêm loét bàn chân, suy nhược cơ thể, hôn mê, suy thận, mắt mờ, thậm chí đột quỵ, tai biến mạch máu não… “Nhiều bệnh nhân khi thấy cơ thể mệt mỏi thì tăng cường ăn uống với suy nghĩ ăn nhiều sẽ khỏe hơn. Nhưng càng ăn nhiều, uống nhiều thì lượng đường trong máu lại tăng cao, trong khi cơ thể không hấp thu được dẫn đến gầy yếu, suy nhược, thậm chí hôn mê, đe dọa tính mạng”, bác sĩ Hải cho biết.

Những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh ĐTĐ bao gồm: người thừa cân, béo phì, người có chế độ ăn giàu tinh bột, những người lười vận động, những người bị stress kéo dài, mắc các bệnh lý về tim mạch, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu... Do đó, việc phòng bệnh cần dựa vào các yếu tố nguy cơ. Mỗi người cần có một chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, khoa học. Hạn chế ăn quá nhiều tinh bột như cơm, bún, phở và các chất béo như dầu, mỡ. Nên ăn nhiều rau, trái cây, ngũ cốc, đặc biệt là các loại đậu (đỗ). Đồng thời tăng cường vận động, thể dục thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày; kiểm soát tốt cân nặng, tránh thừa cân. Khám bệnh tổng quát định kỳ mỗi năm một lần hoặc tham gia các đợt tầm soát bệnh tại cộng đồng do các cơ sở y tế tổ chức.

Thu Huế - Đình Thi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.