Multimedia Đọc Báo in

Không nên tự ý điều trị bệnh vảy nến

09:06, 17/11/2019

Vảy nến là bệnh do gen, không phải do virus hay vi khuẩn gây nên. Vì thế, bệnh không lây nhiễm từ người này sang người khác thông qua việc tiếp xúc lẫn nhau. Bản thân người bị bệnh vảy nến đã mặc cảm về những biểu hiện bề ngoài, cản trở giao tiếp xã hội... ảnh hưởng rất nhiều đến công việc cũng như sự hòa nhập với cộng đồng. Do đó, mọi người cần quan tâm, động viên người mắc bệnh vảy nến với cái nhìn cởi mở hơn, tránh kỳ thị người bệnh.

Theo thống kê, trên thế giới hiện có khoảng 125 triệu người mắc bệnh vảy nến. Bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Người mắc bệnh sẽ bị tổn thương da, điển hình là các mảng viêm, đỏ và có vảy trắng do hiện tượng tăng sinh sừng hóa, ngứa và đau. Bệnh có thể xảy ra bất cứ vị trí nào trên cơ thể, từ móng tay, bộ phận sinh dục đến lòng bàn chân nhưng khu vực thường bị tổn thương nhất là các vùng da xung quanh đầu gối, khuỷu tay, da đầu và thân. Khi mắc bệnh vảy nến, bệnh nhân có thể mắc các bệnh kèm theo như trầm cảm, béo phì, đái tháo đường, viêm khớp vảy nến, bệnh tim mạch. Trung bình cứ 3 người bị vảy nến thì có một người bị mắc kèm viêm khớp vảy nến. Viêm khớp này gây hậu quả nghiêm trọng, có thể dẫn đến tàn phế nếu không được chữa trị đúng cách.

Bệnh nhân mắc bệnh vảy nến được bác sĩ Trung tâm Da liễu tỉnh khám, tư vấn.
Bệnh nhân mắc bệnh vảy nến được bác sĩ Trung tâm Da liễu tỉnh khám, tư vấn.

Điển hình như trường hợp của ông Trương Văn Thành (trú huyện Ea Kar) bị vảy nến từ 3 năm nay. Lúc đầu, bệnh xuất hiện ở khuỷu tay, ông cứ nghĩ mình bị chàm nhưng mua thuốc bôi mãi không khỏi, sau đó các mảng da bị viêm cứ lan rộng ra kèm theo triệu chứng đau khớp. Ông đến khám tại Trung tâm Da liễu thì phát hiện mắc bệnh vảy nến. Ông đã đi chữa trị nhiều nơi nhưng vẫn không khỏi bệnh. Hay như ông Nguyễn Trọng Dục (trú huyện Lắk), suốt 7 năm bị bệnh vảy nến là ông rất khốn khổ. Ban đầu, bệnh xuất hiện như những mảng gàu trên da đầu rồi lan nhanh xuống hai khuỷu tay và toàn thân khiến ông luôn thấy ngứa ngáy, khó chịu. Bị bệnh, ông vô cùng mặc cảm và bị nhiều người xung quanh kỳ thị vì họ nghĩ rằng căn bệnh này lây nhiễm.

Bác sĩ CKII Hoàng Nguyên Duy, Giám đốc Trung tâm Da liễu tỉnh cho biết: Hiện nay vẫn chưa có phương pháp nào có thể điều trị khỏi hoàn toàn bệnh vảy nến. Các phương pháp điều trị gồm dùng thuốc bôi, thuốc uống và ức chế sinh học chủ yếu giúp người bệnh giảm viêm và kiểm soát tình trạng tăng sinh tế bào da, giúp người bệnh ổn định cuộc sống, ngăn ngừa và hạn chế tối đa các biến chứng do bệnh gây nên. Do đó, khi phát hiện mình mắc bệnh vảy nến, người bệnh phải xác định tư tưởng chung sống với bệnh một cách tốt nhất, phải tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, tuân thủ quá trình điều trị; có lối sống lạc quan, lành mạnh và tránh những yếu tố khởi phát hoặc làm nặng thêm bệnh.

Bên cạnh đó, bệnh nhân cần luôn giữ tinh thần thoải mái, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, chế độ ăn uống nên có nhiều rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, giảm mỡ động vật, tăng cường tập thể dục thể thao và nhất là không tự ý điều trị để tránh hậu quả khôn lường. “Thực tế, bệnh vảy nến không dễ chẩn đoán, rất dễ bị nhầm với bệnh nấm da, viêm da… Tuy nhiên, khi xuất hiện triệu chứng của bệnh, có rất ít bệnh nhân đi khám chuyên khoa mà thường tự tìm hiểu, rồi tự ý mua thuốc chữa. Hậu quả là bệnh nặng hơn, từ khu trú ở một nơi rồi lan ra toàn thân do điều trị sai. Cách điều trị không đúng không chỉ làm bệnh phát triển mà còn gây rối loạn chuyển hóa, dẫn tới các bệnh đái tháo đường, suy thận…”, bác sĩ Duy cho hay.

Phương Nhiên


Ý kiến bạn đọc