Không nên coi nhẹ bệnh trầm cảm sau sinh
Bệnh trầm cảm sau sinh không chỉ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân người mẹ mà còn ảnh hưởng đến cả gia đình. Khi không được quan tâm kịp thời, căn bệnh tưởng chừng như rất bình thường này lại có thể dẫn đến những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Đã một tháng trôi qua, những người dân ở xã Cuôr Knia (huyện Buôn Đôn) vẫn chưa hết bàng hoàng, xót xa trước cái chết đau lòng của chị T. Trước đó, vào ngày 25-11, khi trở về nhà, cậu con trai lớn của chị T. phát hiện mẹ mình đã chết trong tư thế treo cổ. Anh Võ Minh V. (chồng chị T.) chia sẻ, từ sau khi sinh thêm đứa con thứ ba vào tháng 8-2019, vợ anh bắt đầu có một số biểu hiện trầm cảm nặng; đã mấy lần chị có ý định tự tử nhưng được người nhà phát hiện, can ngăn kịp thời. Thậm chí để giám sát vợ, anh đã buộc phải cho đứa con trai lớn nghỉ học ở nhà để tiện trông nom chăm sóc. Tuy nhiên, trong lúc con ra ngoài, chị T. quẫn trí tự tìm cách kết liễu cuộc đời mình.
Sản phụ trong thời kỳ hậu sản cần có sự quan tâm chăm sóc để tránh được những hệ quả đáng tiếc có thể xảy ra. Trường hợp bệnh trầm cảm đã nặng cần phải đến các trung tâm chăm sóc sức khỏe để được tư vấn, kiểm tra và điều trị. |
Hay mới đây nhất, vào sáng 27-11, ở TP. Buôn Ma Thuột, một người mẹ trẻ mới sinh con được hơn một tháng đã nhảy cầu gieo mình xuống sông Sêrêpốk trước sự bàng hoàng của người đi đường. Nguyên nhân ban đầu dẫn đến sự việc được cho là do người phụ nữ bị áp lực tinh thần sau sinh, không được gia đình quan tâm đúng mức. Câu chuyện đau lòng trên đã nhận được rất nhiều sự quan tâm chia sẻ của cộng đồng mạng xã hội.
Phụ nữ sau sinh rất cần sự quan tâm, chăm sóc, chia sẻ của người thân, gia đình. |
Chia sẻ về vấn đề này, các chuyên gia tâm lý cho hay có hai yếu tố được xem là nguyên nhân chính dẫn đến trầm cảm sau sinh, đó là thay đổi về mặt sinh học và thay đổi về tâm lý xã hội. Trong đó, về sinh học, sau khi sinh, việc giảm đột ngột các hormon estrogen và progestrogen cũng như hormon tuyến giáp giảm nhanh chóng gây ra cảm giác mệt mỏi, trầm cảm.
Việc thay đổi về thể tích máu, huyết áp, hệ miễn dịch và chuyển hóa dẫn đến tình trạng mệt mỏi, dễ thay đổi cảm xúc ở sản phụ sau sinh. Nhiều bà mẹ cảm thấy căng thẳng, mất ngủ, lo lắng về khả năng chăm sóc em bé; từ đó cảm thấy mất hứng thú sống và mất kiểm soát cuộc sống bản thân. Hoặc trong gia đình có người từng bị trầm cảm; mâu thuẫn về tài chính, thiếu sự giúp đỡ của người thân cũng là nguyên nhân dẫn đến trầm cảm đối với sản phụ. Bên cạnh đó, sự thiếu quan tâm, chia sẻ của những người thân trong gia định cũng làm gia tăng nguy cơ trầm cảm cao gấp 5 lần so với những người thường xuyên được người thân chia sẻ.
Đây cũng là hồi chuông cảnh báo ngành y tế cần tuyên truyền rộng rãi hơn cho các thai phụ và các gia đình có phụ nữ mới sinh lưu ý đến bệnh trầm cảm bởi tỷ lệ mắc trầm cảm sau sinh chiếm 10-15% - cao hơn so với một số bệnh lý thông thường được nhắc đến như tiền sản giật hay tiểu đường… song lại ít được cộng đồng và xã hội quan tâm.
Đan Anh
Ý kiến bạn đọc