Kiểm soát tốt tiền đái tháo đường để không phát triển thành bệnh
Tiền đái tháo đường (còn gọi là rối loạn dung nạp đường huyết lúc đói hay rối loạn dung nạp glucose) là giai đoạn cửa ngõ trước khi bệnh đái tháo đường tuýp 2 được chẩn đoán. Ở thời kỳ này, kiểm soát đường huyết tích cực sẽ ngăn chặn khả năng mắc đái tháo đường tuýp 2 trong tương lai.
Bệnh đái tháo đường là một căn bệnh nguy hiểm và đang gia tăng nhanh. Theo báo cáo của Hiệp hội Đái tháo đường thế giới IDF Diabetes Atlas, năm 2017 tại Việt Nam đã có 3,5 triệu người mắc bệnh và con số ngày được dự báo sẽ tăng lên 6,1 triệu người vào năm 2045. Theo ý kiến của các chuyên gia, hiện nay việc xử trí đái tháo đường tốt nhất chính là ngăn chặn từ giai đoạn tiền đái tháo đường sẽ giảm chi phí điều trị cũng như giảm thiểu những biến chứng có nguy cơ gặp phải.
Bác sĩ Ngô Văn Hùng, Trưởng khoa Nội tim mạch (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) cho biết: “Lượng đường đo được khi đói của người bị tiền đái tháo đường vào khoảng 100 – 125mg/dL. Tiền đái tháo đường không có triệu chứng rõ ràng. Vì thế, người bệnh thường rất khó phát hiện những dấu hiệu bất thường để chủ động xét nghiệm tiền đái tháo đường. Hầu hết các trường hợp xác định tiền đái tháo đường đều được chẩn đoán một cách tình cờ khi khám sức khỏe định kỳ hoặc phát hiện qua chương trình khám sàng lọc đái tháo đường, hoặc tình cờ khám, điều trị một bệnh nào đó”.
Xét nghiệm máu là cách duy nhất giúp phát hiện sớm tiền đái tháo đường. |
Người bị tiền đái tháo đường nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời sẽ dẫn tới đái tháo đường tuýp 2, lượng đường cao trong máu lâu ngày sẽ gây tổn thương ở nhiều cơ quan, đặc biệt là tim, mạch máu, thận, mắt, thần kinh với nhiều biến chứng nguy hiểm. Biến chứng nguy hiểm ở tim, mạch máu như: tắc mạch vành tim, xơ cứng động mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não; đái tháo đường còn gây tổn thương thần kinh ngoại biên khiến bệnh nhân bị tê bì, yếu cơ và loét do thiếu dinh dưỡng là nguy cơ của nhiễm trùng dẫn đến đoạn chi (cắt bỏ một phần của chi), tiêu chảy, táo bón...; gây tổn thương ở mắt làm giảm thị lực hoặc mù lòa; các tổn thương mạch máu nhỏ ở thận dẫn đến thận hoạt động kém hiệu quả hoặc suy thận...
Người bị đái tháo đường, tiền đái tháo đường thường rơi vào các trường hợp: tăng huyết áp, thừa cân, béo phì, ít vận động thể lực, người trên 50 tuổi, gia đình có tiền sử bị tiểu đường tuýp 2, phụ nữ đã từng bị tiểu đường thai kỳ... Khi bị tiền đái tháo đường thì không cần điều trị bằng thuốc mà bác sĩ sẽ tư vấn giúp bệnh nhân thay đổi lối sống, chế độ ăn uống, thực hiện giảm cân và tăng cường vận động, luyện tập thể dục thể thao đều đặn.
Người mắc tiền đái tháo đường cần lưu ý bỏ thuốc lá, tránh bị stress, hạn chế rượu bia, ngủ đủ giấc, kiểm soát cholesterol và huyết áp sẽ giúp điều trị bệnh hiệu quả. Người bệnh nên ăn đa dạng các loại thực phẩm, bảo đảm nhu cầu năng lượng và cân đối thành phần dinh dưỡng, ăn nhiều rau, củ quả để bổ sung chất xơ và các loại vitamin. Hạn chế các loại thức ăn cung cấp năng lượng rỗng như: đường, nước ngọt, đồ hộp... Những người tiền đái tháo đường nên ăn chừng mực, không nên ăn quá no hoặc để quá đói, phân bổ bữa ăn hợp lý, không bỏ bữa sáng. Nếu thực hiện tốt thì khoảng 3 – 6 tháng, lượng đường trong máu sẽ trở lại mức bình thường.
Khi đã chuyển biến thành tiểu đường tuýp 2 sẽ rất khó điều trị dứt điểm, người bệnh ngoài việc thay đổi lối sống, còn cần đến sự hỗ trợ của thuốc và phải dùng thuốc kiểm soát đường huyết suốt đời. Bởi vậy, cách tốt nhất để phát hiện tiền đái tháo đường chính là khám sức khỏe định kỳ, nhất là trường hợp có các yếu tố nguy cơ cao.
Võ Quỳnh
Ý kiến bạn đọc