Thận trọng khi mua thực phẩm qua mạng xã hội
Với sự phát triển của mạng xã hội hiện nay, việc bán hàng online đã trở nên phổ biến, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm được quảng cáo bán qua mạng rất hấp dẫn và thu hút.
Những người quá bận rộn thường lựa chọn mua thực phẩm qua mạng xã hội, như: Facebook, Zalo, Instagram... như một cách tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, việc mua hàng thực phẩm qua mạng xã hội liệu có an toàn?
Giáp Tết Nguyên đán, các mặt hàng như: bánh bông lan, kem plan, đồ ăn nhanh, mứt, khô bò, khô gà, củ kiệu, dưa món… được bán rất nhiều trên mạng xã hội. Chỉ cần lướt Facebook, tìm kiếm trên Google, không khó để bắt gặp các thông tin, hình ảnh quảng cáo khá bắt mắt, hấp dẫn kèm theo những cam kết “chắc nịch” về độ sạch của sản phẩm. Người tiêu dùng chỉ cần comment (bình luận) hoặc gọi điện thoại, hàng sẽ được giao tận nhà. Cũng vì sự tiện lợi này mà hình thức mua thực phẩm qua mạng càng được nhiều người chọn lựa, đặc biệt là những người không có thời gian đi chợ, mua sắm.
Người tiêu dùng chọn mua thực phẩm qua mạng để tiết kiệm thời gian. |
Phải thừa nhận rằng mua thực phẩm trên mạng có những ưu điểm là không mất nhiều thời gian, không mất công chế biến. Thế nhưng nhiều người cũng đã từng rơi vào hoàn cảnh “dở khóc dở cười” vì mua hàng không giống với những thông tin quảng cáo. Như chị Trần Thị Trinh (ở xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) là “tín đồ” của hình thức mua hàng trên mạng. Từ ăn vặt đến các bữa ăn chính, thậm chí lúc con còn nhỏ, chị Trinh thường xuyên mua cháo đóng gói sẵn về chỉ việc hâm nóng lại là cho con ăn. Theo chị Trinh, có không ít lần chị phiền lòng bởi món hàng không như quảng cáo. Chẳng hạn có lần chị đặt mua dâu Đà Lạt, khi người giao hàng đến thì lẫn trong đó phần lớn là những quả dâu dập, hỏng. Một lần khác, chị đặt mua bánh bông lan, nhưng khi nhận hàng, bánh bị cứng, ăn bánh cũng không được ngon, mịn như trong quảng cáo. Từ đó chị Trinh cũng hạn chế đặt mua đồ ăn trên mạng xã hội. Hay chị Trà Thanh Hằng (ở phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) trước đây thường mua đồ ăn vặt trên mạng. Do hình ảnh đăng bán khá bắt mắt, nhiều người bình luận khen ngon nên chị Hằng cũng tin tưởng hơn. Tuy nhiên, có vài lần chị đặt mua bắp xào hành, chân gà ngâm sả tắc do một tài khoản quen biết đăng bán nhưng thực tế nhận hàng không đúng như lời quảng cáo. “Bắp không ngon mà còn có vị chua, giống như bị thiu. Còn chân gà sả tắc màu sắc nhìn giống như ngâm tẩy cho trắng, không như lời quảng cáo, vị cũng không đậm đà. Từ ngày đó, tôi rất ít khi mua đồ ăn vặt trên mạng”, chị Hằng chia sẻ.
Chị Hằng, chị Trinh chỉ là hai trong số rất nhiều người mua thực phẩm trên mạng chưa để ý đến những vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm. Hầu hết các trang mạng bán hàng đều theo hình thức tự phát, không có giấy phép kinh doanh cũng không có giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm, khách hàng chỉ biết đến thông qua quảng cáo trên mạng xã hội, truyền miệng hoặc nhận xét của người khác. Thực tế, loại hình kinh doanh như vậy không khác gì những người bán hàng rong, thức ăn đường phố.
Trước thực trạng kinh doanh thực phẩm qua mạng xã hội nở rộ như hiện nay, các chuyên gia an toàn vệ sinh thực phẩm cảnh báo: với các mặt hàng này, nguy cơ không chỉ đến từ nguyên liệu mà còn nằm ở quy trình, các công đoạn chế biến thực phẩm. Bởi người bán có thể chưa được tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm, không có giấy phép kinh doanh và cũng không có cơ quan chức năng nào có thể kiểm tra, giám sát chất lượng các sản phẩm họ làm ra thì không ai có thể đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm. Chưa kể, nếu dụng cụ dùng để chế biến thực phẩm được sử dụng nhiều lần, không vệ sinh sạch sẽ cũng rất dễ mang mầm bệnh. Hậu quả của việc không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của một công đoạn, hay nhiều công đoạn có thể sẽ làm cho thực phẩm ô nhiễm, nguy cơ ngộ độc rất cao. Ngoài ra, việc vận chuyển, đóng hộp cũng sẽ tăng nguy cơ hư hỏng thực phẩm hơn so với việc trực tiếp mua. Và nếu không may người sử dụng có bị ngộ độc thực phẩm thì người bán hàng qua mạng cũng không thể chịu trách nhiệm.
Vì vậy, người tiêu dùng cần cân nhắc thận trọng hơn trong mua sắm qua mạng xã hội, cần chọn mua thực phẩm ở những nơi uy tín, có thương hiệu, nguồn gốc rõ ràng để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Mỹ Hạnh
Ý kiến bạn đọc