Lặng thầm cống hiến
Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh Covid-19, tất cả các trường hợp trở về từ vùng dịch đều được phát hiện, cách ly kịp thời, góp phần khống chế không để dịch bệnh bùng phát trên địa bàn. Phía sau thành quả ấy là biết bao sự nỗ lực của cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế - những “chiến sĩ” áo trắng trên tuyến đầu chống dịch.
Phát huy cao độ năng lực, trách nhiệm
Được chọn là một trong những “cứ điểm” để tiếp nhận, điều trị, chăm sóc cho các bệnh nhân nghi nhiễm và nhiễm bệnh Covid-19, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã thành lập khu cách ly riêng biệt với 200 giường bệnh và đầy đủ trang thiết bị. Bác sĩ CKI Phạm Hồng Lâm, Trưởng Khoa Truyền nhiễm cho biết: “Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và các nước lân cận, ngay từ mùng 4 Tết Nguyên đán, bệnh viện đã triệu tập họp, thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh này và giao nhiệm vụ chủ đạo cho Khoa Truyền nhiễm. Điều này đồng nghĩa là trách nhiệm của chúng tôi cũng nhiều hơn. Bình thường công việc tại khoa vốn dĩ đã nhiều, bệnh nhân đông, xuất hiện nhiều loại bệnh khác nhau, nay lại phải căng sức để đối phó với dịch bệnh Covid-19 trong khi cả khoa chỉ có 25 bác sĩ, y tá, điều dưỡng nên đòi hỏi mỗi người phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba để làm tốt nhiệm vụ”.
Bác sĩ Trần Hoàng Yến Nhi là bác sĩ của Khoa Truyền nhiễm thực hiện tiếp nhận và tiến hành các bước thăm khám cho bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19 đến từ vùng dịch Sơn Lôi (tỉnh Vĩnh Phúc). Cũng đã có lúc lo lắng, bởi nếu bệnh nhân mắc bệnh thì bản thân cũng có nguy cơ lây nhiễm cao, song với bản lĩnh và kinh nghiệm nhiều năm làm công tác điều trị bệnh truyền nhiễm, bác sĩ Nhi đã vượt qua để toàn tâm chăm sóc cho bệnh nhân. Bác sĩ Nhi chia sẻ: “Là người đầu tiếp nhận bệnh nhân nên sẽ khó tránh khỏi lo lắng, nhưng đã xác định tư tưởng sẵn sàng để tiếp xúc và điều trị cho những bệnh nhân từ nghi ngờ đến có thể dương tính nên tôi cũng không quá hoang mang, mà thực hiện đầy đủ các bước hướng dẫn của Bộ Y tế khi tiếp xúc, điều trị cho người bệnh”.
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh kiểm tra sức khỏe cho người có tiếp xúc gần với người trở về từ Vân Nam (Trung Quốc) tại xã Cư Kbang, huyện Ea Súp. |
Cũng có thâm niên gần 18 năm công tác tại Khoa Truyền nhiễm, bác sĩ H’Nuen Hđơk luôn xác định tư tưởng trong “cuộc chiến” chống “giặc” Covid-19 rằng nếu không may có bệnh nhân dương tính sẽ ở lại khu cách ly và toàn tâm chăm sóc cho bệnh nhân. Chị H’Nuen kể: “Mỗi khi bộ phận cấp cứu lưu báo tin có ca nghi ngờ từ vùng dịch về thì chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng đón bệnh nhân. Bệnh nhân vào khoa, chúng tôi sàng lọc thêm một lần nữa, nếu thấy có đủ điều kiện nằm trong giám sát 343 thì sẽ cho bệnh nhân đó cách ly và báo cáo lên trưởng khoa và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đồng thời thực hiện ngoáy họng lấy mẫu làm xét nghiệm cho bệnh nhân. Tính từ ngày 2-1, chúng tôi đã tiếp nhận 7 trường hợp nghi nhiễm Covid-19, nhưng rất may là tất cả đều cho kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh này”.
Chung tay chống dịch
Cùng đồng hành với những bác sĩ điều trị trong “cuộc chiến” chống dịch Covid-19, những cán bộ y tế làm công tác dự phòng cũng vất vả, hiểm nguy không kém, bởi nguy cơ nhiễm bệnh luôn tiềm ẩn khi mà chẳng có ai dám chắc những người dân họ tiếp xúc, những góc nhà, thôn buôn mà họ đi qua, mẫu bệnh phẩm họ thu gom không có vi rút gây bệnh.
Còn nhớ, khoảng 10 năm về trước, khi dịch cúm A/H1N1 xuất hiện trên địa bàn, cùng với công tác điều trị, cán bộ y tế làm công tác dự phòng là những người đầu tiên tiếp xúc với những bệnh nhân mang mầm bệnh; cần mẫn thống kê những chiếc xe chở khách từ vùng tâm dịch, giám sát từng hành khách để nắm thông tin... Rồi các dịch bệnh khác như sốt rét, tay chân miệng hay dịch bệnh sốt xuất huyết hoành hành trong năm 2019 vừa qua, họ cũng lặng lẽ xông pha vào vùng tâm dịch chẳng nề hà việc phải tiếp xúc với bệnh truyền nhiễm, hóa chất ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân, nơi nào có ổ dịch là họ có mặt để điều tra dịch tễ, tìm rõ căn nguyên gây bệnh để tham mưu cho các cơ quan trong và ngoài ngành thực hiện những giải pháp hữu hiệu nhất, nhằm khống chế dịch bệnh kịp thời, không để bệnh dịch lây lan ra cộng đồng.
“Hạnh phúc lớn nhất của những người làm công tác điều trị bệnh truyền nhiễm đó là bệnh nhân khỏi bệnh được xuất viện và kiểm soát tốt không để dịch bệnh lây nhiễm chéo và lây lan rộng”.
Bác sĩ CKI Phạm Hồng Lâm, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên
|
Những ngày này, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới, các cán bộ, nhân viên y tế của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh luôn tất bật với guồng quay công việc. Cả tháng nay, thành viên 7 đội phản ứng nhanh phòng chống dịch Covid-19 của Trung tâm dường như đã quên mất khái niệm thời gian, hễ có thông tin thì dù ngày hay đêm, họ đều lập tức lên đường tiếp cận với người nghi nhiễm thực hiện các biện pháp nghiệp vụ nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan. Bác sĩ Trần Kim Long, phụ trách Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm của Trung tâm cho biết: “Mỗi ngày, đường dây nóng của Trung tâm tiếp nhận khá nhiều tin báo từ phía cơ quan chức năng và người dân về các trường hợp đi về từ vùng có dịch Covid-19. Khi nhận được tin báo, cán bộ, nhân viên của Trung tâm lập tức xuất phát, tỏa xuống địa bàn thật nhanh để xác minh, sàng lọc, tránh trường hợp để lọt đối tượng, bởi nếu là đối tượng mắc bệnh Covid-19 thì sẽ cực kỳ nguy hiểm”.
Cũng theo bác sĩ Trần Kim Long, đặc thù của ngành y tế dự phòng rộng và phức tạp, đảm nhiệm mảng phòng chống dịch bệnh cho cả cộng đồng, trong khi hiệu quả công việc không thể đong đếm trong ngày một ngày hai. Trên thực tế, những người làm công tác y tế dự phòng không ngại khó, ngại khổ, mà sợ nhất là những thông tin thất thiệt trên mạng xã hội. Bởi những thông tin không đúng sẽ khiến nhân dân hoang mang, lo lắng quá mức. Vì thế, dù là dịch bệnh nào, khi tiếp cận với người dân, các cán bộ y tế dự phòng luôn tuyên truyền người dân chọn lọc thông tin dịch bệnh, nắm được kiến thức phòng bệnh, biến từ nhận thức sang hành vi và thực hiện thường xuyên. Khi nhân dân tin tưởng, cùng chung tay chống dịch, nhiệm vụ của cán bộ y tế dự phòng cũng sẽ thuận lợi hơn.
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thực hiện lấy mẫu xét nghiệm vi rút Corona gây bệnh Covid-19 đối với người trở về từ Trung Quốc tại xã Cư Kbang (huyện Ea Súp). |
Có thể thấy, dẫu phải đối mặt với môi trường làm việc nguy cơ cao, nhưng với lòng yêu nghề và trách nhiệm với cộng đồng, đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế nơi tuyến đầu chống dịch vẫn luôn sẵn sàng vì sức khỏe của người dân. Những cống hiến và hy sinh thầm lặng ấy đã góp phần mang lại niềm tin cho bệnh nhân và sự yên tâm cho cộng đồng.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc