Multimedia Đọc Báo in

Tuân thủ điều trị ARV giúp người nhiễm HIV sống khỏe, lâu dài

09:08, 22/02/2020

Đến thời điểm hiện tại, y học vẫn chưa tìm ra vắc xin phòng bệnh cũng như thuốc đặc trị vi rút HIV - loại vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. Điều trị ARV hiện được xem là giải pháp tốt nhất và duy nhất giúp người nhiễm HIV sống khỏe và lâu dài. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả, người bệnh phải tuân thủ nghiêm phác đồ điều trị, đồng thời duy trì lối sống lành mạnh, lạc quan.

ARV là loại thuốc làm ức chế sự nhân lên của vi rút HIV trong cơ thể người, kiềm hãm tải lượng vi rút trong máu ở mức thấp nhất, giúp cơ thể phục hồi chức năng miễn dịch, giảm nguy cơ mắc và tử vong do các bệnh nhiễm trùng cơ hội như lao, viêm phổi, nhiễm nấm Candida…, làm chậm quá trình chuyển sang giai đoạn AIDS.

Trước đây, điều trị ARV được chỉ định cho người nhiễm HIV có xét nghiệm tế bào CD4 (tế bào miễn dịch) dưới 500 tế bào/mm3 máu, tức là người nhiễm đã ở giai đoạn nặng. Theo quy định của Bộ Y tế, từ năm 2017 trở lại đây, tất cả những trường hợp xác định nhiễm HIV đều được đưa vào điều trị ARV. Điều trị ARV sớm có vai trò vô cùng quan trọng giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh nặng hơn cho người nhiễm HIV, giảm khả năng lây truyền qua đường tình dục và giảm nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con.

Bác sĩ Huỳnh Thị Hồng Sinh tư vấn và phát thuốc ARV cho người nhiễm HIV.
Bác sĩ Huỳnh Thị Hồng Sinh tư vấn và phát thuốc ARV cho người nhiễm HIV.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Huỳnh Thị Hồng Sinh (Khoa Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), vấn đề nan giải nhất trong điều trị ARV là tuân thủ điều trị. Nếu tuân thủ tốt, người nhiễm hoàn toàn khỏe mạnh và có tuổi thọ như những người bình thường. Khi tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện, khả năng lây truyền qua đường tình dục rất thấp, thậm chí không còn, do đó, nhiều người nhiễm HIV vẫn có thể sinh con hoàn toàn khỏe mạnh. Ngược lại, nếu bỏ dở điều trị thì sức khỏe của người nhiễm sẽ suy kiệt rất nhanh.

Điển hình như trường hợp của anh H.Q.V ở phường Thành Nhất (TP. Buôn Ma Thuột). Phát hiện mình nhiễm HIV cách đây hơn hai năm, anh V. tiếp nhận điều trị ARV ở giai đoạn 3, lúc cơ thể suy kiệt nặng. Sau gần hai năm kiên trì, tuân thủ điều trị, khi sức khỏe của anh đã trở lại bình thường, tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện thì anh đột ngột bỏ điều trị. Tám tháng sau, anh V. quay lại Khoa Phòng chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) trong tình trạng gầy yếu, mắc nhiều bệnh nhiễm trùng cơ hội, lở loét toàn thân.

Bác sĩ Huỳnh Thị Hồng Sinh cho biết, ARV là thuốc làm ức chế sự phát triển của vi rút HIV chứ không phải thuốc đặc trị. Do đó, khi không dùng thuốc thì vi rút HIV lại tiếp tục nhân bản, tấn công và phá hủy hệ miễn dịch của con người. Ngoài hệ quả tất yếu là người bệnh bị suy kiệt nặng, mắc nhiều bệnh nhiễm trùng cơ hội thì nguy cơ kháng thuốc ở những trường hợp bỏ điều trị là rất cao. Đối với phác đồ điều trị bậc một, mỗi ngày bệnh nhân chỉ cần uống 1 viên thuốc nhưng khi kháng thuốc, chuyển qua phác đồ điều trị bậc hai thì chi phí điều trị cao hơn, dùng thuốc cũng nhiều hơn. Hiện tại Khoa Phòng chống HIV/AIDS đang điều trị ARV cho 339 bệnh nhân, trong đó có 11 trường hợp phải điều trị phác đồ bậc hai - hầu hết là những người đã từng bỏ dở điều trị.

Theo thống kê của Sở Y tế, hiện toàn tỉnh có gần 600 người nhiễm HIV đang điều trị ARV nhưng nhiều người trong số họ vẫn đang mặc cảm và tự kì thị bản thân mình. Chính sự tự kì thị này khiến nhiều người bỏ dở điều trị và nhiều trường hợp nhiễm khác không chấp nhận điều trị, nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng cao. Do đó, những người nhiễm HIV cần nhận thức đúng đắn, tuân thủ điều trị ARV để có sức khỏe tốt, kéo dài cuộc sống.

Tuân thủ điều trị ARV bao gồm: Tuân thủ việc dùng thuốc, lịch xét nghiệm và lịch tái khám. Người bệnh phải uống thuốc đúng liều, đúng thời gian, đúng cách, đều đặn suốt đời. Thực hiện các xét nghiệm định kỳ 6 tháng/lần hoặc 1 năm/lần theo chỉ định của bác sĩ như xét nghiệm chức năng gan, thận, tế bào CD4, tải lượng vi rút… Trong quá trình điều trị không nên uống sữa, hạn chế ăn dầu mỡ, bia rượu, thuốc lá; đồng thời luôn giữ tinh thần lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống.

Thu Huế


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.