Không chủ quan với bệnh viêm phổi ở người cao tuổi
Thời điểm giao mùa, ông Hoàng Ngọc Hà (70 tuổi, ở phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) bị sốt nhẹ, ho nhẹ về đêm. Cho rằng ông Hà bị cảm sốt thông thường nên gia đình tự mua thuốc về cho ông uống khoảng 5 ngày nhưng bệnh vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm. Càng ngày ông ho càng nhiều hơn, về đêm, tình trạng khò khè, khó thở diễn ra liên tục nên gia đình chuyển ông vào Khoa lão (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) điều trị. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán ông Hà bị viêm phổi phải nhập viện để theo dõi, điều trị.
Bệnh nhân Trương Văn Tỵ, (80 tuổi, ở xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) cũng đã phải nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên do bị viêm phổi trong tình trạng rất nặng, suy hô hấp, thở nhanh, đờm nhiều. Các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) phải đặt ống nội khí quản để giải quyết tình trạng suy hô hấp và duy trì sự sống cho bệnh nhân. Chị Trương Thị Hòa, con gái ông Tỵ chia sẻ: “Bố tôi rất hay bị viêm phổi mỗi khi thời tiết chuyển lạnh đột ngột. Ông cũng mắc bệnh hen phế quản nên càng dễ nhiễm bệnh hơn. Do ông chỉ ho nhẹ, khó thở, tôi nghĩ bố chỉ lên cơn hen nên vẫn cho uống thuốc của bệnh hen phế quản. Không ngờ chỉ sau vài ngày, bố tôi khó thở hơn phải nhập viện”.
Bác sĩ đang kiểm tra cho một bệnh nhân điều trị viêm phổi tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. |
Bác sĩ Trịnh Hồng Nhựt, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) cho biết, khi thời tiết thay đổi đột ngột hay chuyển mùa là thời điểm dễ bùng phát dịch bệnh viêm phổi ở người lớn tuổi. Ở người lớn tuổi, sức đề kháng giảm, phản ứng của cơ thể với tình trạng nhiễm trùng cũng ít rầm rộ, đôi khi chỉ là ho ít hoặc ớn lạnh như cảm cúm thông thường. Ngoài ra, không ít người cao tuổi còn mắc một số bệnh lý khác, như: đái tháo đường, bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, cao huyết áp, tim mạch… hoặc đang sử dụng một số loại thuốc để điều trị các bệnh khác cũng gây ra giảm miễn dịch, tạo điều kiện cho vi khuẩn, vi rút xâm nhập và phát triển gây nên các bệnh nhiễm trùng, trong đó có viêm phổi.
Viêm phổi ở người cao tuổi có biểu hiện không giống với người trẻ tuổi. Bệnh thường diễn biến âm thầm, ở giai đoạn đầu thường chỉ sốt nhẹ, ho nhẹ, khó chịu, thậm chí không ho… khiến nhiều người chủ quan, thường tự ý mua thuốc điều trị tại nhà, đến khi tình trạng chuyển biến xấu và nặng mới đưa đến cơ sở y tế để điều trị. Điều này khiến viêm phổi ở người cao tuổi dễ bị biến chứng nguy hiểm, như: biến chứng tại phổi (bệnh có thể lan rộng ra hai hoặc nhiều thùy phổi, bệnh nhân khó thở nhiều hơn, tím môi, mạch nhanh và có thể dẫn đến suy hô hấp cấp); biến chứng trong lồng ngực (người bệnh có thể bị sốt dai dẳng do tràn mủ màng phổi, viêm màng ngoài tim với các triệu chứng đau vùng trước tim, nghe có tiếng cọ màng tim).
Trong biến chứng của bệnh viêm phổi, suy hô hấp là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất, khi đó phổi bị tổn thương nặng, giảm chức năng hô hấp dẫn đến không cung cấp đủ lượng ôxy cho não khiến người bệnh bị tử vong rất nhanh. |
Ở người cao tuổi, khi kê đơn thuốc điều trị, các bác sĩ phải cân nhắc, tính toán đến nhiều yếu tố khác, một mặt điều trị bệnh viêm phổi, mặt khác phải điều trị thêm bệnh lý mạn tính đi kèm nên việc điều trị khó khăn hơn, lâu khỏi bệnh hơn. Hơn nữa, người cao tuổi đáp ứng điều trị thuốc kém hơn so với người trẻ tuổi, sau khi khỏi bệnh thông thường họ phải mất khoảng thời gian dài để hồi phục sức khỏe hoàn toàn, do đó khi người cao tuổi xuất hiện các dấu hiệu bất thường về sức khỏe, cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được khám và chẩn đoán kịp thời.
Các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo, khi thời tiết thay đổi, người cao tuổi cần chú ý giữ ấm cơ thể, tránh nhiễm lạnh đột ngột, đặc biệt là giữ ấm cổ, ngực và hai bàn chân; giữ vệ sinh sạch sẽ nơi ở, nhà cửa, đồ dùng hằng ngày. Khi ra ngoài nên mang khẩu trang để tránh khói bụi; sử dụng nguồn nước sạch, bảo đảm mỗi ngày bổ sung đầy đủ 1,5 - 2 lít nước, việc làm này không chỉ giúp thanh lọc cơ thể mà còn giúp đào thải những độc tố có nguy cơ gây bệnh viêm phổi. Người cao tuổi nên tránh sử dụng rượu bia, thuốc lá vì đó là nguyên nhân gây phá hủy phổi, giảm chức năng hô hấp của cơ thể, đồng thời tăng nguy cơ mắc bệnh lý viêm nhiễm khác. Về chế độ ăn uống, người cao tuổi cần bổ sung dinh dưỡng phù hợp bằng cách sử dụng các loại rau, trái cây tươi bảo đảm đầy đủ Vitamin A, C, E, canxi, khoáng chất, chất xơ có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng nhất là khi xì mũi, sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn hay chuẩn bị thức ăn; đối với những trường hợp bị bệnh tiểu đường, hen suyễn, bệnh tràn dịch màng phổi, bệnh HIV, ung thư và các bệnh mạn tính khác nên tiêm phòng vắc xin phòng cúm.
Ý kiến bạn đọc