Multimedia Đọc Báo in

Ngăn ngừa phát sinh dịch bệnh từ chất thải y tế

09:10, 04/05/2020

Chất thải y tế chứa nhiều mầm bệnh, nếu không được xử lý đúng quy trình rất dễ gây ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Xác định được tầm quan trọng của việc quản lý chất thải y tế, thời gian qua, việc thu gom, xử lý chất thải y tế và chất thải sinh hoạt được nhiều cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm, bảo đảm theo đúng quy định trước khi thải ra môi trường.

Trung tâm Y tế huyện M’Đrắk có quy mô 160 giường bệnh, gồm 5 phòng chức năng và 12 khoa. Trung bình mỗi ngày, Trung tâm có 100kg chất thải rắn thông thường; 17 kg chất thải rắn y tế nguy hại và 30m3 nước thải cần xử lý. Rác thải y tế đều được cán bộ, y bác sĩ các khoa, phòng phân loại cẩn thận. Tất cả các loại chất thải y tế bao gồm chất thải lây nhiễm, chất thải thông thường đều được phân tách rõ ràng từng loại tại mỗi khoa, phòng trước khi đưa đến điểm tập kết để xử lý.

Điều dưỡng Lê Thị Nghĩa, Phó Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (Trung tâm Y tế huyện M’Đrắk) cho biết, tại mỗi khoa, phòng đều đặt các thùng và túi đựng chất thải có mã màu quy định cho từng loại rác thải và có bảng hướng dẫn phân loại chất thải y tế gắn tại các vị trí dễ nhìn thấy. Hiện nay, rác thải sinh hoạt thông thường được Trung tâm ký hợp đồng với Công ty môi trường Hoàng Phương Nam thu gom, xử lý 2 lần/tuần. Chất thải nguy hại được thu gom, phân loại rồi chuyển về kho bảo quản của lò đốt và đốt 1 lần/ngày. Khí thải phát sinh trong quá trình đốt chất thải nguy hại cũng được xử lý triệt để trước khi thải ra môi trường. Đối với chất thải lỏng, đơn vị hiện có hệ thống thu gom và xử lý nước thải riêng biệt theo công nghệ AAO-2012. Nước thải sau khi được xử lý thì xả ra suối Krông Jing. 

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh kiểm tra lò đốt chất thải y tế tại Trung tâm Y tế huyện M’Đrắk.  Ảnh: Quang Nhật
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh kiểm tra lò đốt chất thải y tế tại Trung tâm Y tế huyện M’Đrắk. Ảnh: Quang Nhật

Với quy mô 160 giường bệnh, gồm 16 khoa, phòng, trung bình mỗi ngày, Trung tâm Y tế huyện Ea Kar có lượng chất thải rắn thông thường phát sinh là 75 kg; lượng chất thải rắn y tế nguy hại là 31,5 kg và lượng nước thải cần xử lý là 35 m3. Tại tất cả các khoa, phòng ở Trung tâm đều đặt các thùng và túi đựng chất thải có mã màu đúng quy định (xanh, vàng, trắng) cho từng loại và có bảng hướng dẫn phân loại chất thải y tế gắn tại các vị trí dễ nhìn thấy.

Tại các buồng bệnh, buồng thủ thuật chất thải được phân loại ngay từ ban đầu theo từng nhóm, mỗi nhóm được đựng vào thùng hoặc túi riêng. Còn tại khu vực công cộng hay khuôn viên của Trung tâm, các thùng đựng chất thải sinh hoạt được đặt hợp lý ở các vị trí giúp bệnh nhân, người nhà bệnh nhân thuận tiện bỏ rác đúng quy định, tránh tình trạng rác rơi vãi ra bên ngoài.

Trung tâm Y tế huyện Ea Kar ký hợp đồng xử lý rác thải thông thường với Công ty TNHH Quản lý đô thị và Môi trường Buôn Hồ chi nhánh Ea Kar thu gom mỗi tuần 2 lần; chất thải y tế nguy hại được đốt tại lò đốt của Trung tâm với tần suất 2 ngày đốt một lần; chất thải y tế nguy hại không lây nhiễm thì ký hợp đồng với Công ty TNHH Môi trường đô thị TP. Hồ Chí Minh xử lý. Trung tâm đã được trang bị hệ thống xử lý nước theo công nghệ AAO với công suất thiết kế 100 m3/ngày đêm.

Ngoài Trung tâm Y tế huyện M’Đrắk và Ea Kar, hiện nay hầu hết các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh đều nghiêm túc triển khai thực hiện các quy định trong việc xử lý rác thải y tế. Hằng năm, Sở Y tế đều có công văn chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác quản lý chất thải y tế, giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thường xuyên tổ chức các đợt giám sát, kiểm tra, nếu phát hiện sai phạm thì kịp thời nhắc nhở và đôn đốc đơn vị thực hiện theo đúng quy định trong quản lý chất thải y tế.

Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.