Multimedia Đọc Báo in

Bảo vệ giới trẻ trước tác hại của thuốc lá

07:49, 03/06/2020

Những năm qua, nhờ có sự hỗ trợ về kinh phí và chuyên môn của Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế), công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá và Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) tại Đắk Lắk đã được triển khai bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, liên tục, sâu rộng đến mọi đối tượng, đặc biệt là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên.

Từ năm 2015 - 2018, Sở Y tế Đắk Lắk phối hợp với các trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức được 52 buổi truyền thông trực tiếp về tác hại của thuốc lá và Luật PCTHTL cho 12.450 học sinh; tổ chức 1 hội thi tìm hiểu Luật PCTHTL cho học sinh Trường THPT Hồng Đức (TP. Buôn Ma Thuột); tổ chức 9 lớp tập huấn cho 450 giáo viên trên địa bàn tỉnh. Tại các lớp tập huấn, giáo viên không chỉ được nâng cao kiến thức về tác hại của thuốc lá, Luật PCTHTL mà còn được trang bị kỹ năng truyền thông, giáo dục học sinh về tác hại của thuốc lá, góp phần bảo vệ các em khỏi ảnh hưởng của thuốc lá.

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phát tờ rơi tuyên truyền tác hại của thuốc lá cho học sinh Trường THPT Chu Văn An (TP. Buôn Ma Thuột).  Ảnh: Đình Thi
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phát tờ rơi tuyên truyền tác hại của thuốc lá cho học sinh Trường THPT Chu Văn An (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Đình Thi

Theo bác sĩ CKI Nguyễn Kim Mỹ (Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh), nhiều năm qua bệnh viện đã tiếp nhận điều trị cho một lượng lớn bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), có nguyên nhân chủ yếu là do thuốc lá. Tất cả số bệnh nhân này đều có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào nhiều năm, có những trường hợp hút thuốc từ lúc 10 tuổi. “Hiện nay, tỷ lệ học sinh hút thuốc lá khá phổ biến và hệ quả tất yếu là theo thời gian, các em sẽ mắc phải nhiều căn bệnh nguy hiểm. Vừa tốn tiền mua thuốc, vừa ảnh hưởng sức khỏe, chưa kể nhiều em vi phạm pháp luật để có tiền phục vụ nhu cầu hút thuốc. Nguy cơ hỏng cả một đời người”, bác sĩ Nguyễn Kim Mỹ cho biết.

Năm 2020, Sở Y tế Đắk Lắk tiếp tục triển khai các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá, trong đó, tập trung vào công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá, Luật PCTHTL. Sở Y tế đã giao cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh làm đơn vị đầu mối, phối hợp với Quỹ PCTHTL (Bộ Y tế) tiếp tục thực hiện hoạt động này; trong đó xây dựng kế hoạch tổ chức 10 buổi truyền thông trực tiếp cho hơn 5.000 học sinh, sinh viên, 6 lớp tập huấn cho 300 giáo viên các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh.

Học sinh Trường THPT Hồng Đức (TP. Buôn Ma Thuột) thuyết trình về tác hại thuốc lá tại Hội thi “Học sinh THPT tìm hiểu Luật PCTHTL”. Ảnh: Đình Thi
Học sinh Trường THPT Hồng Đức (TP. Buôn Ma Thuột) thuyết trình về tác hại thuốc lá tại Hội thi “Học sinh THPT tìm hiểu Luật PCTHTL”. Ảnh: Đình Thi

Bác sĩ Hoàng Đức Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, để phòng, chống dịch Covid-19 nên không tổ chức hoạt động mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá (31-5) và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (từ 25 đến 31-5-2020); thay vào đó Trung tâm tổ chức truyền thông lưu động, phát các thông điệp về phòng, chống tác hại của thuốc lá, Luật PCTHTL tại các địa phương trên địa bàn tỉnh và treo băng rôn các thông điệp liên quan. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh có công văn gửi tất cả các sở, ban, ngành tăng cường công tác phòng, chống tác hại thuốc lá và thực thi nghiêm Luật PCTHTL.

Ngày 29-4-2020, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 900/QĐ-UBND về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo và Tổ thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo Chương trình phòng, chống tác hại của thuốc lá gồm 27 thành viên là lãnh đạo, cán bộ các sở, ban, ngành do Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh làm Trưởng ban.


Thu Huế


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.