Multimedia Đọc Báo in

Ghi nhận một sản phụ dương tính với vi khuẩn bạch hầu

15:04, 15/07/2020

Theo thông tin từ ngành Y tế, sáng 15-7 trên địa bàn tỉnh ghi nhận một sản phụ dương tính với vi khuẩn bạch hầu.

Ngày 10-7, chị Thào Thị V., sinh năm 2001, dân tộc H’mông, mang thai 38 tuần, ở thôn Cư Rang, xã Cư Pui (huyện Krông Bông) xuất hiện triệu chứng sốt, đau đầu, đau họng và mệt mỏi. Đến ngày 11-7, các triệu chứng không giảm nhưng bệnh nhân lại đi sang thôn 4, xã Ea M’Đoan, huyện M’Đrắk để thăm người thân. Đến sáng 14-7, bệnh nhân nhập viện điều trị tại Trung tâm Y tế huyện M’Đrắk. Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện hai amydal của bệnh nhân sưng nề, có giả mạc trắng bao quanh và chẩn đoán theo dõi bạch hầu. Ngay sau đó, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm xác định bạch hầu. Kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên khẳng định bệnh nhân dương tính với vi khuẩn bạch hầu. Hiện bệnh nhân đã được chuyển lên điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh điều tra, lấy mẫu xét nghiệm đối với các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh tại
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh điều tra, lấy mẫu xét nghiệm đối với các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh tại thôn Cư Rang, xã Cư Pui, huyện Krông Bông.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin ca bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Y tế và chính quyền hai huyện Krông Bông, M’Đrắk triển khai công tác khoanh vùng, cách ly, phun hóa chất khử khuẩn toàn bộ khu vực thôn Cư Rang, xã Cư Pui, huyện Krông Bông và thôn 4 xã Ea M’Đoan, huyện M’Đrắk; tổ chức cho người dân ở hai khu vực này uống kháng sinh dự phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu. Đồng thời tiến hành điều tra dịch tễ và lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh.

Như vậy, tính từ ca bệnh đầu tiên được ghi nhận vào ngày 7-7, trong một tuần qua, toàn tỉnh đã có 7 trường hợp bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu ở 4 địa phương gồm Lắk, M’Đrắk, Cư M’gar và Krông Bông.

Kim Oanh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.