Multimedia Đọc Báo in

Thận trọng khi sử dụng nhiệt kế thủy ngân

08:56, 09/08/2020
Cặp nhiệt kế thủy ngân là vật dụng y tế thân thuộc trong tủ thuốc của mỗi gia đình có con nhỏ. Tuy nhiên, sử dụng cặp nhiệt kế thủy ngân tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, đặc biệt nghiêm trọng với trẻ nhỏ khi bất cẩn làm rơi vỡ nhưng không được xử lý đúng cách.
 
Anh Trần Bảo Sơn (trú phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết: Có con nhỏ nên trong nhà anh lúc nào cũng phải có nhiệt kế để dùng khi con sốt. Mặc dù đã có nhiệt kế điện tử nhưng anh vẫn dùng thêm nhiệt kế thủy ngân để tăng độ chính xác.
 
“Có lần cặp nhiệt kế thủy ngân cho bé, bé quấy khóc làm rơi khiến nhiệt kế vỡ tan tành. Do không biết thủy ngân trong nhiệt kế vỡ ra có thể gây nhiễm độc cho trẻ nếu chẳng may trẻ hít phải nên lúc đó tôi cũng chỉ dọn dẹp qua loa. Sau đó tôi đưa con đến khám tại bệnh viện, tôi có trình bày việc nhiệt kế bị vỡ, nghe các bác sĩ nói về mức độ nguy hiểm tôi mới biết. Rất may bé không sao chứ nếu không chắc tôi ân hận lắm”, anh Sơn chia sẻ.
 
Chị Nguyễn Mai Trang (trú phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) cũng cho biết gia đình chị lâu nay vẫn dùng nhiệt kế thủy ngân vì giá thành rẻ, độ chính xác cao. Tuy nhiên, chị thừa nhận bản thân mình và gia đình không để ý đến mức độ nguy hiểm nếu chẳng may nhiệt kế bị vỡ.
 
Khi sử dụng nhiệt kế thủy ngân, cần tránh làm rơi vỡ để phòng bị nhiễm độc thủy ngân.
Khi sử dụng nhiệt kế thủy ngân, cần tránh làm rơi vỡ để phòng bị nhiễm độc thủy ngân.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, thủy ngân trong nhiệt kế là dạng thủy ngân nguyên chất, thể lỏng, không tan trong nước và có thể bốc hơi tương đối ở nhiệt độ phòng.
 
Nếu hít trực tiếp thủy ngân vào phổi sẽ rất độc. Hít phải thủy ngân có thể gây bệnh phổi nặng cấp tính, gây mất trí nhớ, viêm miệng, lơ mơ, co giật, nôn ói và viêm ruột. Trong một số trường hợp, có thể gây ra ngộ độc cấp tính, suy hô hấp, thậm chí tử vong nếu tiếp xúc lượng thủy ngân lớn. 
 
Mặc dù nguy hiểm như vậy nhưng nhiều người vẫn chủ quan, thậm chí không biết xử lý đúng cách khi nhiệt kế thủy ngân bị vỡ. Sẽ rất sai lầm nếu dùng chổi quét hay thu dọn và đổ nhiệt kế thủy ngân vỡ vào thùng rác hoặc hất ra cửa.
 
Các bác sĩ khuyến cáo, nếu nhiệt kế thủy ngân bị vỡ, phải nhanh chóng đưa mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ ra khỏi phòng, tránh hít phải thủy ngân bay hơi; kiểm tra xem thủy ngân có bị dính vào người và quần áo của trẻ không, nếu có thì nên thay toàn bộ quần áo, thu dọn hạt thủy ngân vương vãi, tránh cho trẻ nhỏ và người lớn chạm trực tiếp. Khi dọn dẹp phải đeo găng tay và không để cho giọt thủy ngân tiếp xúc với da tay.
 
Trường hợp phát hiện trẻ nuốt thủy ngân, cha mẹ phải thật bình tĩnh, tuyệt đối không móc họng, gây ói vì sẽ gây biến chứng hít sặc thủy ngân rất nguy hiểm cho trẻ; nhanh chóng đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế. “Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại nhiệt kế điện tử với độ chính xác cao, an toàn, tiện lợi. Do đó, để tránh nguy cơ mất an toàn có thể xảy ra với trẻ, các gia đình nên tham khảo, lựa chọn và sử dụng nhiệt kế điện tử”, bác sĩ Minh cho biết.
 
Phương Nhiên
 
 

Ý kiến bạn đọc