Multimedia Đọc Báo in

Xông pha lên tuyến đầu chống dịch

11:33, 16/08/2020
Khi đại dịch diễn biến phức tạp, những nữ bác sĩ, điều dưỡng sẵn sàng gác lại cuộc sống riêng tư, lao vào tâm dịch nhận nhiệm vụ điều trị, chăm sóc bệnh nhân Covid-19…
 
Chiều 30-7, ca bệnh Covid-19 đầu tiên của tỉnh được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên sang Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh cũng là lúc ê kíp điều trị đầu tiên của bệnh viện này vào khu cách ly, chính thức bước vào cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.
 
Chị Lê Thị Bình, Điều dưỡng trưởng Khoa Nội 2, Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh là một trong số những y, bác sĩ, hộ lý của kíp trực đầu tiên nhận lệnh tham gia chăm sóc điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Ngay sau khi nhận lệnh, chị Bình chỉ kịp chạy vội về nhà lấy ít đồ cá nhân, tạm biệt hai con rồi vào bệnh viện làm nhiệm vụ.
 
Chị kể: “Lệnh đến bất ngờ, nên lúc mình ghé về nhà lấy đồ, ông xã đang đi trực, chỉ kịp gọi điện báo tin và dặn hai con ở nhà đợi bố về rồi lên đường ngay. Vào khu cách ly đến 2-3 ngày sau mình mới có thời gian liên lạc với người nhà. Biết tin ông xã cũng tham gia chống dịch, thường xuyên vắng nhà, mình đã gọi điện cho mẹ chồng gửi gắm bà chăm sóc hai con nhỏ. Có mẹ chồng hỗ trợ, mình cũng yên tâm tập trung làm nhiệm vụ. Nhưng có lúc nhớ con đến phát khóc, hai con đã được “huấn luyện” tự lập từ bé nhưng vẫn lo không quen vắng mẹ dài ngày, nhất là cháu nhỏ mới được 5 tuổi”.
 
10 ngày ở trong khu cách ly, ngoài nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho các ca bệnh Covid-19, chị Bình còn thường xuyên trò chuyện, tâm tình để động viên bệnh nhân ổn định tinh thần, yên tâm điều trị bệnh. Chị tâm sự: “Cuộc chiến này không biết còn kéo dài bao lâu, vì thế mỗi ngày chúng tôi đều cố gắng động viên người bệnh giữ tinh thần lạc quan, tích cực chiến đấu với bệnh tật để sớm chiến thắng và đoàn tụ cùng gia đình”.
 
Các y, bác sĩ  Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh lập hồ sơ  bệnh án theo dõi sức khỏe cho bệnh nhân Covid-19 và các trường hợp  nghi ngờ  mắc bệnh.
Các y, bác sĩ Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh lập hồ sơ bệnh án theo dõi sức khỏe cho bệnh nhân Covid-19 và các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.
Cũng giống như điều dưỡng Lê Thị Bình, nhận nhiệm vụ vào khu cách ly điều trị bệnh nhân Covid-19 khi chồng đang đi công tác tại TP. Hồ Chí Minh, bác sĩ Nguyễn Thị Liên, Phó trưởng Khoa Nội 1, Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh cũng chỉ kịp chạy vội về nhà lấy đồ dùng cá nhân và dặn dò hai con tự chăm sóc nhau cho tốt. Vào khu cách ly, mỗi ca trực, bác sĩ Liên và các đồng nghiệp phải đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc, điều trị cho 3 bệnh nhân Covid-19 và hơn 90 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.
 
Bác sĩ Liên chia sẻ: “Ban đầu khi nhận lệnh trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, bản thân tôi cũng có chút lo lắng vì bác sĩ cũng chỉ là người bình thường, không miễn nhiễm với Sars-CoV-2, trong khi lại tiếp xúc trực tiếp với người bệnh đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao. Thế nhưng, khi bắt tay vào công việc, lo lắng đều bị bỏ lại phía sau và chỉ tâm niệm thăm khám cho người bệnh thật kỹ lưỡng, ra y lệnh chính xác để họ mau chóng vượt qua giai đoạn bệnh tật nguy hiểm này”.
 
Không trực tiếp tham gia cấp cứu, điều trị bệnh nhân, nhưng cử nhân Nguyễn Thị Khanh, Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột đã tham gia vào đội ngũ tiếp nhận, chăm sóc sức khỏe cho công dân trong khu cách ly tập trung Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại Đắk Lắk, gồm những công dân có tiếp xúc gần với ca bệnh Covid-19 và người trở về từ vùng dịch. Xung phong đến với “tuyến đầu” chống dịch, chị Khanh đành để hai con nhỏ (con gái đầu 12 tuổi và con út 6 tuổi) tự chăm sóc nhau vì chồng chị cũng là bác sĩ nên trong những ngày này, anh hầu như không có thời gian để về chăm sóc các con.
 
Chị Khanh tâm sự: "Là một nhân viên trong ngành y, ngay khi dịch Covid-19 xảy ra trên địa bàn, tôi đã xác định rõ nhiệm vụ của mình, bởi hơn bao giờ hết, công tác giám sát, chăm sóc sức khỏe cho những người trở về từ vùng dịch và người tiếp xúc với các ca bệnh là rất quan trọng vì nó giúp ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Vì thế, tôi cũng mong đóng góp một phần sức lực nhỏ bé của mình cùng cộng đồng đẩy lùi đại dịch Covid-19. Trước khi vào đây tôi đã sắp xếp công việc của gia đình tương đối ổn thỏa, dặn dò hai con chu đáo, nên cũng yên tâm để làm nhiệm vụ”.
 
Có thể thấy, trong đại dịch nguy hiểm, những cống hiến thầm lặng của các y bác sĩ như một liều thuốc tinh thần để tiếp sức cho cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh. Những cống hiến ấy đã góp phần mang lại thành công bước đầu khi ca bệnh đầu tiên (bệnh nhân số 448) có kết quả lần 2 âm tính với Sars-CoV-2 và sức khỏe của hai bệnh nhân số 601, 602 tiến triển ngày một tốt hơn, đã hết ho, sốt, sinh hoạt bình thường. Đây là niềm vui, thêm kinh nghiệm và sự tự tin để những chiến sĩ ngành y luôn sẵn sàng trong “cuộc chiến” với Covid-19.
 
Bùi Phạm Lê
 

 


Ý kiến bạn đọc