TP. Buôn Ma Thuột khẩn trương khoanh vùng, dập dịch bạch hầu
Ngay sau khi xuất hiện ca bệnh bạch hầu đầu tiên trên địa bàn, TP. Buôn Ma Thuột đã cấp bách triển khai các giải pháp để kiểm soát nhanh nhất dịch bệnh, không để lây lan trên diện rộng.
Chủ động khoanh vùng, cách ly
Ngày 3-9, trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã ghi nhận trường hợp đầu tiên dương tính với vi khuẩn bạch hầu. Bệnh nhân là bé trai Y.M.E, sinh năm 2017, dân tộc Êđê, ở thôn 7, xã Cư Êbur. Trước đó, ngày 29-8, bé có biểu hiện sốt cao, được gia đình đưa đến khám tại một phòng khám tư nhân và được bác sĩ chẩn đoán viêm Amidal mủ, kê toa thuốc về nhà uống nhưng bệnh không giảm. Đến ngày 1-9, gia đình đưa bé đến khám tại Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột và được chỉ định nhập viện điều trị với chẩn đoán theo dõi bạch hầu. Tối ngày 2-9, bé được chuyển lên điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên khẳng định cháu bé dương tính với vi khuẩn bạch hầu.
Sau khi tiếp nhận thông tin ca bệnh, công tác khoanh vùng, dập dịch đã được triển khai nhanh chóng. Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột Đoàn Ngọc Thượng cho biết, ngay trong chiều 3-9, thành phố đã có công văn yêu cầu UBND xã Cư Êbur thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh bạch hầu để chỉ đạo và huy động cộng đồng thực hiện tốt công tác phòng chống dịch; khoanh vùng, cách ly y tế từ 0 giờ ngày 4-9 đến 0 giờ ngày 11-9-2020 tại khu vực dân cư nơi ghi nhận ca bệnh ở thôn 7; tạm dừng các hoạt động tập trung đông người và các trường học đứng chân trên địa bàn thôn cho học sinh nghỉ học đến hết thời gian cách ly…
Đoàn viên thanh niên tham gia phát thuốc kháng sinh dự phòng và giám sát người dân uống tại chỗ. |
Ngay trong chiều 3-9, Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột đã khẩn trương phối hợp với UBND xã Cư Êbur triển khai khử khuẩn, vệ sinh môi trường tại gia đình bệnh nhân và khu vực xung quanh, điều tra dịch tễ, lấy mẫu ngoáy họng để xét nghiệm đối với các trường hợp tiếp xúc gần ca bệnh và cho người dân trong khu vực uống kháng sinh dự phòng trước sự giám sát của cán bộ y tế; chỉ đạo Trạm Y tế xã tiến hành rà soát toàn bộ danh sách trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên để tiến hành tiêm phòng vắc xin. Đến sáng 4-9, toàn bộ khu vực dân cư nơi có ca bệnh với gần 300 hộ, hơn 1.000 nhân khẩu đã được cách ly y tế. Đồng thời, Trung tâm Y tế thành phố tiếp tục phối hợp với Trường Mầm non 1-6 (nơi cháu bé theo học) tổ chức phun hóa chất khử khuẩn, lập danh sách các trẻ học cùng lớp với bệnh nhân để cấp thuốc kháng sinh dự phòng.
Vận động nhân dân nâng cao ý thức phòng bệnh
Cùng với việc nhanh chóng thực hiện các hoạt động chuyên môn để khoanh vùng, dập dịch, chính quyền xã Cư Êbur còn chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phân công lực lượng trực tiếp “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh bạch hầu. Chị Ngô Thị Hương Giang, Phó Bí thư Đoàn xã Cư Êbur cho hay, được sự chỉ đạo của UBND xã, ngày 4-9, Đoàn xã đã huy động 20 đoàn viên, thanh niên tham gia cùng địa phương và ngành y tế đến từng hộ trong khu vực có ca bệnh để phát thuốc kháng sinh cho người dân uống và cung cấp hóa chất để các hộ chủ động thực hiện khử khuẩn hằng ngày, đồng thời tuyên truyền người dân thực hiện vệ sinh cá nhân, nơi ở sạch sẽ để phòng bệnh.
Chốt kiểm soát thực hiện cách ly y tế phòng chống dịch bạch hầu tại khu vực dân cư ở thôn 7, xã Cư Êbur. |
Theo bác sĩ Võ Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột, trước tình hình dịch bạch hầu diễn biến phức tạp, ngoài việc vận động người dân trên địa bàn thường xuyên giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, thực hiện khử khuẩn nơi ở hằng ngày, đơn vị còn vận động tất cả các đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ. Hiện ngành y tế thành phố đã làm việc với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để cung ứng đủ vắc xin tiêm phòng bệnh cho người dân toàn xã Cư Êbur, với khoảng 20 nghìn người dân ở 7 thôn, buôn.
Nhận thức được sự nguy hiểm của bệnh bạch hầu, tất cả người dân địa phương đều chủ động chấp hành các quy định về phòng, chống dịch. Chị H’Bơp Êban, người dân thôn 7 chia sẻ: "Nhà tôi chỉ cách nhà bệnh nhân khoảng 50 mét, nên khi nghe thông tin cháu bé bị mắc bạch hầu, cả nhà ai cũng lo lắng. Ngay sau đó, cán bộ y tế đến phun thuốc khử trùng nhà cửa, phát thuốc để uống dự phòng, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng chống nên tôi cảm thấy yên tâm hơn nhiều. Tôi rất đồng tình, ủng hộ việc làm này của chính quyền địa phương, sẽ chủ động phòng chống bệnh bằng cách vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, không tập trung đông người và tiêm phòng vắc xin đầy đủ".
Kim Hoàng
Ý kiến bạn đọc