Cần hiểu đúng về vắc xin phòng bệnh dại
Nhiều người vẫn có những quan niệm sai lầm về tiêm vắc xin phòng bệnh dại như: cho rằng vắc xin tiêm phòng bệnh dại có nhiều tác dụng phụ, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, làm giảm trí nhớ, ảnh hưởng đến hệ thần kinh, nhất là đối với trẻ em… Cách hiểu sai này khiến nhiều người dân e ngại, không tiêm vắc xin phòng bệnh dại và mang lại nhiều hệ lụy đáng tiếc.
Chị Trần Thị Thanh Nhàn (trú huyện Cư Kuin) cho biết, trong xóm của chị có nhiều gia đình nuôi chó, mèo và thường xuyên thả rông nên chuyện trẻ em, thậm chí cả người lớn bị chó đuổi cắn diễn ra phổ biến. Tuy nhiên, do ai cũng bảo tiêm vắc xin phòng dại có hại cho sức khỏe nên khi bị chó, mèo cắn mọi người đều rất ngại đi tiêm ngừa.
Tương tự, anh Hoàng Văn Thắng (trú huyện Krông Bông) cũng chia sẻ: “Ai cũng biết khi bị chó cắn cần đi tiêm phòng dại nhưng mọi người đều nói vắc xin phòng bệnh dại tiêm vào người gây nhiều tác dụng phụ, nhất là đối với trẻ em, làm còi xương, nóng trong người… Thêm nữa, giá thành tiêm vắc xin lại khá cao, phải tiêm nhiều mũi, đi lại nhiều lần rất bất tiện, tốn kém nên khi vô tình bị chó cắn, mèo cào, mọi người thường chủ quan chờ theo dõi chó, mèo; nếu chúng vẫn bình thường thì sẽ không đi tiêm ngừa phòng dại”.
Khi bị chó cắn, mèo cào, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để tiêm ngừa bệnh dại. Ảnh: Quang Nhật |
Bệnh dại có tỷ lệ tử vong gần như 100% và hiện vẫn chưa có thuốc điều trị bệnh đặc hiệu. Vì vậy, để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh thì tiêm vắc xin phòng dại chính là biện pháp tốt nhất. |
Những năm gần đây, năm nào trên địa bàn tỉnh cũng có người tử vong vì bệnh dại. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, năm 2018 trên địa bàn tỉnh có 6 trường hợp tử vong vì dại; năm 2019 có 5 trường hợp và 8 tháng năm 2020 đã có 6 trường hợp tử vong vì dại, ở các huyện M’Drắk, Krông Pắc, Ea H’leo, Krông Bông và Krông Búk. Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút dại gây nên. Bệnh nhân mắc bệnh dại một khi đã lên cơn chắc chắn sẽ chết rất đau đớn và thương tâm. Tuy là căn bệnh nguy hiểm gây chết người nhưng thực tế cho thấy người dân vẫn còn thờ ơ với việc tiêm phòng. Bệnh dại có đặc thù là ủ bệnh, phát hiện rất muộn. Thời gian ủ bệnh sau khi bị động vật cắn thường vài tuần, có thể vài tháng, thậm chí hàng năm tùy thuộc vào số lượng, mức độ tổn thương và vị trí của vết cắn có gần thần kinh trung ương hay không. Vì thế, có người bệnh khởi phát bệnh dại khi vết cắn đã liền da, không còn dấu vết gì của chó cắn, thậm chí người ta đã quên mất việc bị chó cắn.
Theo bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc CDC tỉnh, tiêm phòng dại chính là cuộc “chạy đua” của vắc xin với vi rút dại. Do đó, ngay khi bị chó dại, chó nghi dại hoặc động vật cắn, mọi người cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tiêm phòng, không nên chờ đợi theo dõi tình trạng của con chó, cũng không phải lo ngại sự ảnh hưởng của vắc xin dại đến sức khỏe bởi tất cả vắc xin tiêm phòng thế hệ mới hiện nay đều rất an toàn. Bác sĩ Phúc khẳng định: “Hiện nay, vắc xin phòng dại đã được cải tiến, vắc xin được sử dụng hiện nay là vắc xin bất hoạt, được bào chế từ vi sinh vật đã bị bất hoạt nhưng vẫn giữ tính kháng nguyên với quy trình sản xuất chặt chẽ, chất lượng được kiểm định gắt gao nên người tiêm sẽ không có những phản ứng phụ như vắc xin thế hệ cũ. Do đó, mọi người dân có thể yên tâm đi tiêm vắc xin cho chính mình, cho trẻ em mà không cần phải lo lắng”.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi bị chó cắn cần rửa ngay vết thương với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút; sau đó rửa kỹ vết thương với cồn 70% hoặc cồn iod và đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để được tư vấn tiêm phòng vắc xin và huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt. “Khi tiêm ngừa bệnh dại, người bệnh cần chú ý tiêm sớm ngay sau khi bị động vật bị dại hoặc nghi dại cắn; cần tiêm đủ số mũi, đúng khoảng cách giữa các mũi tiêm theo chỉ định của bác sĩ theo từng loại vắc xin dại và phác đồ tiêm phòng. Tuyệt đối không uống rượu và các chất kích thích; đồng thời không dùng các thuốc làm giảm miễn dịch như corticoid, thuốc điều trị ung thư… vì các thuốc này sẽ gây ảnh hưởng đến tác dụng của vắc xin”, bác sĩ Lê Phúc nhấn mạnh.
Phương Nhiên
Ý kiến bạn đọc