Multimedia Đọc Báo in

Rối loạn tiền đình và những nguy hại cho sức khỏe

09:09, 24/10/2020

Rối loạn tiền đình là một bệnh lý thuộc hệ thần kinh ngày càng phổ biến và đang có xu hướng trẻ hóa. Những triệu chứng của rối loạn tiền đình như: hoa mắt, chóng mặt, đầu óc quay cuồng… ảnh hưởng lớn đến cuộc sống sinh hoạt, học tập, lao động của người bệnh. Thậm chí rối loạn tiền đình đi kèm với một số bệnh lý như đái tháo đường, huyết áp cao có thể là nguyên nhân dẫn đến đột quỵ, nguy cơ tử vong.

Tiền đình là một bộ phận thuộc hệ thần kinh, nằm ở sau hai bên ốc tai, có vai trò cân bằng cơ thể, điều chỉnh thăng bằng các tư thế và phối hợp cử động mắt, đầu, thân mình. Rối loạn tiền đình là tình trạng rối loạn thăng bằng khi thay đổi tư thế, làm cho người bệnh có những triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, đầu óc quay cuồng, ù tai, buồn nôn, đi đứng không vững… Ở người cao tuổi, tình trạng này dễ dẫn đến té ngã, đe dọa tính mạng. Với người trẻ, bệnh khiến việc học tập, lao động giảm hiệu quả, năng suất; thậm chí gây hậu quả nghiêm trọng đối với những người vận hành máy móc, lái xe dễ gây tai nạn…

Chị Lê Thị Phiến Hương (39 tuổi, ở xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc) bị rối loạn tiền đình khoảng 2 năm nay. Ban đầu khi thấy hoa mắt, chóng mặt, chị Hương uống thuốc thấy đỡ nhưng càng về sau bệnh càng nặng, thuốc không còn tác dụng, đi đứng không được nên chị phải đến điều trị nội trú tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh. Còn bà Phan Thị Nghiêng (78 tuổi, ở xã Yang Reh, huyện Krông Bông) có biểu hiện rối loạn tiền đình song gia đình cho rằng bà tuổi cao, sức yếu, lại mang trong người nhiều bệnh mãn tính nên không đưa bà đi khám. Đến khi các triệu chứng trở nên nặng nề hơn, bà chóng mặt thường xuyên, đi đứng không được, gia đình mới đưa bà đến Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh để khám. 

Bác sĩ hướng dẫn bệnh nhân rối loạn tiền đình cách  giữ cơ thể  đứng thăng bằng.   Ảnh: Quang Nhật
Bác sĩ hướng dẫn bệnh nhân rối loạn tiền đình cách giữ cơ thể đứng thăng bằng. Ảnh: Quang Nhật

Theo thống kê của Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, trong 10 tháng năm nay bệnh viện đã tiếp nhận điều trị nội trú cho hơn 15.000 lượt bệnh nhân, trong đó có gần 1.300 trường hợp mắc rối loạn tiền đình, chiếm tỷ lệ 8,7%. Theo bác sĩ CKI Phạm Ngọc Liễu, Trưởng khoa Lão, trước đây bệnh rối loạn tiền đình thường gặp ở người cao tuổi nhưng hiện nay, bệnh đang có dấu hiệu trẻ hóa. Tại khoa Lão, có nhiều bệnh nhân mới 30, 40 tuổi đã mắc căn bệnh này.

Có nhiều nguyên nhân gây ra rối loạn tiền đình như: stress tâm lý, mất ngủ thường xuyên, tiền sử có bệnh lý về tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, đột quỵ gây liệt nửa người… Ngoài ra, những người sống trong môi trường nhiều tiếng ồn cũng có nguy cơ mắc chứng bệnh này… Theo bác sĩ Phạm Ngọc Liễu, hiện nay nhân viên văn phòng có tỷ lệ mắc rối loạn tiền đình khá cao. Nguyên nhân là do những người này thường xuyên ngồi làm việc lâu với máy tính mà không có những bài tập cổ, vai, gáy hợp lý, lâu dần sẽ dẫn đến thoái hóa đốt sống cổ, gây rối loạn tiền đình. Như vậy, rối loạn tiền đình hầu hết là do các bệnh lý nền gây ra, do đó khi điều trị chứng bệnh này cần tìm ra nguyên nhân của nó.

Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị chứng rối loạn tiền đình gồm: dùng thuốc, không dùng thuốc và phẫu thuật. Tuy nhiên, việc điều trị khỏi hoàn toàn căn bệnh này rất khó, hầu hết chỉ có thể làm giảm triệu chứng. Để phòng ngừa mắc rối loạn tiền đình, các bác sĩ khuyến cáo: Mọi người cần sống tích cực, lạc quan, tránh lo âu, căng thẳng, đồng thời có chế độ ăn uống khoa học, uống đủ từ 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày; ăn nhiều rau, củ, quả có màu xanh, đỏ như cần tây, bí đỏ, cà chua… Đối với người đã mắc rối loạn tiền đình cần cải thiện tình trạng bệnh nền (nếu có), thường xuyên tập những bài tập thể dục theo hướng dẫn của bác sĩ, ăn những thực phẩm có nhiều vitamin B1, B6, C; hạn chế ăn mặn, không dùng chất kích thích như cà phê, thuốc lá, rượu, bia…; lựa chọn nơi ở tĩnh lặng, tránh ồn ào. Trong quá trình sinh hoạt, lao động, nếu có biểu hiện của rối loạn tiền đình cần dừng ngay các hoạt động, nghỉ ngơi thư giãn, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Thu Huế


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.