Điểm tựa của bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS
Những năm qua, Khoa Phòng, chống HIV/AIDS thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) đã trở thành điểm tựa của nhiều bệnh nhân HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh, giúp họ có thêm niềm tin vào cuộc sống, đồng thời góp phần hạn chế tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng.
Theo thống kê của Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, tính đến tháng 9-2020, trên địa bàn tỉnh có 2.477 trường hợp nhiễm HIV, 1.431 bệnh nhân AIDS và 479 người tử vong do AIDS. Riêng 9 tháng năm 2020 có 109 bệnh nhân mới mắc bệnh và 167 bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS. Khoa Phòng, chống HIV/AIDS hiện có gần 450 bệnh nhân điều trị HIV/AIDS. Đều đặn hằng tháng các bệnh nhân đến khám, xét nghiệm và điều trị bằng thuốc ARV. Có những bệnh nhân đã điều trị nhiều năm hiện vẫn mạnh khỏe và có cuộc sống như những người bình thường khác.
Bác sĩ Khoa Phòng, chống HIV/AIDS khám sức khỏe cho bệnh nhân nhiễm HIV. |
Bác sĩ Huỳnh Thị Hồng Sinh, Khoa Phòng, chống HIV/AIDS (CDC) cho biết: Trong cuộc sống, không ít bệnh nhân HIV/AIDS vẫn bị kỳ thị, phân biệt đối xử. Điều này khiến người nhiễm giấu tình trạng bệnh, mặc cảm không dám tiếp xúc với cộng đồng, không hợp tác điều trị. Thực tế, có rất nhiều trường hợp người nhiễm HIV là nạn nhân hoặc do công việc mà họ bị nhiễm bệnh, có những trường hợp phụ nữ bị chồng mắc bệnh truyền sang, hay trẻ bị lây nhiễm HIV từ mẹ, những chiến sĩ công an, cán bộ y tế bị phơi nhiễm nghề nghiệp... Do vậy, người bệnh nhiễm HIV/AIDS rất cần được thấu hiểu, chia sẻ, giúp đỡ để họ lạc quan, tích cực điều trị đẩy lùi bệnh tật. Mặt khác, nhận thức được thông tin đầy đủ về căn bệnh này, chính bệnh nhân HIV/AIDS sẽ là tuyên truyền viên đắc lực về phòng chống HIV/AIDS cho cộng đồng.
Những năm qua, nhờ sự tư vấn, điều trị của các y bác sĩ, nhân viên Khoa Phòng, chống HIV/AIDS (CDC), rất nhiều bệnh nhân không những được điều trị khỏe mạnh mà còn hòa nhập tốt với cộng đồng. Đặc biệt, không ít bệnh nhân HIV đã sinh ra những đứa con khỏe mạnh, không bị nhiễm HIV. Theo số liệu của Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, trong 9 tháng năm 2020, đã có 11 sản phụ mắc HIV được điều trị ARV sinh con, và nhờ được điều trị đầy đủ nên hầu hết các em bé sinh ra đều không bị lây nhiễm bệnh; trẻ sinh từ mẹ nhiễm HIV đều được dự phòng ARV ngay từ khi mới sinh. Cơ chế chính sách thông thoáng trong khám, tư vấn và điều trị đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho những bệnh nhân HIV, khi họ có thể ngay lập tức được điều trị bằng ARV nếu có kết luận dương tính với HIV và chỉ số CD4 là 500 tế bào/mm3.
Để góp phần ngăn ngừa và giảm số người nhiễm HIV trong cộng đồng, thời gian vừa qua, cán bộ y tế Khoa Phòng, chống HIV/AIDS đã đẩy mạnh các biện pháp can thiệp giảm hại như: cung cấp bơm kim tiêm, bao cao su cho nhóm nguy cơ cao, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP), triển khai chiến dịch “Không phát hiện = Không lây truyền” (K=K); tăng cường truyền thông về nguy hại của vi rút HIV trong các công ty, xí nghiệp, khu nhà trọ để khuyến khích người có nguy cơ cao kết nối điều trị dự phòng trước phơi nhiễm; tuyên truyền, vận động người nghiện ma túy tham gia chương trình điều trị Methadone. Ngoài ra, Khoa còn phối hợp với các ban, ngành đoàn thể trong công tác thông tin, giáo dục, truyền thông phòng chống HIV/AIDS bằng nhiều hình thức. Trong 9 tháng năm 2020, Khoa đã tổ chức 9.782 lượt truyền thông trực tiếp cho 1.342.404 lượt người.
“Trong thời gian tới, Khoa sẽ đẩy mạnh các dịch vụ theo hướng nâng cao chất lượng, truyền thông chương trình can thiệp giảm tác hại và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone; nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ và hành vi về phòng, chống HIV/AIDS. Đồng thời tìm hướng giúp đỡ các bệnh nhân mắc HIV/AIDS có hoàn cảnh khó khăn được sử dụng thuốc ARV qua bảo hiểm xã hội”, bác sĩ Nguyễn Thị Vinh, Trưởng Khoa Phòng, chống HIV/AIDS (CDC) nhấn mạnh.
Phương Nhiên
Ý kiến bạn đọc