Không nên chủ quan với bệnh mộng thịt ở mắt
Bệnh mộng thịt ở mắt là tình trạng trong mắt có một mảng màu hồng trắng xuất phát từ góc mắt và có thể lan đến che phủ giác mạc, con ngươi, làm ảnh hưởng đến thị lực.
Bệnh xảy ra nhiều hơn ở những người thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, gió, bụi. Tuy là bệnh lý lành tính chỉ gây cộm xốn mắt, chảy nước mắt, đỏ mắt, ảnh hưởng đến thẩm mỹ nhưng khi mộng thịt phát triển sẽ gây ảnh hưởng đến thị lực và loạn thị. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến giác mạc làm mắt mù loà.
Mộng thịt thường gặp ở những vùng có thời tiết nhiều nắng nóng. Những vùng khí hậu ôn hòa có khoảng 2% dân số bị mộng thịt, trong khi ở vùng nhiệt đới tỷ lệ này có thể lên từ 6% đến trên 20% dân số. Mộng thịt có thể phát triển khi tiếp xúc với các tia tử ngoại hằng ngày và trong thời gian dài, nhất là với người làm xây dựng, thợ hàn xì, người làm trong môi trường khói bụi không đeo kính bảo hộ. Bệnh thường gặp ở lứa tuổi từ 44 tuổi và có tỷ lệ cao nhất từ 50 – 60 tuổi.
Tại Bệnh viện Mắt tỉnh, bình quân mỗi ngày khám và điều trị cho khoảng 120 bệnh nhân mắc bệnh về mắt nói chung, trong đó có khoảng 15 - 20 trường hợp bị bệnh mộng thịt.
Bác sĩ Bệnh viện Mắt tỉnh khám mắt cho bệnh nhân. Ảnh: Quang Nhật |
Theo các bác sĩ chuyên khoa Mắt, mộng thịt là một khối u ở mắt, có màu hồng trắng hoặc hồng nhạt, xuất phát từ góc mắt và có thể lan đến giác mạc, che phủ giác mạc và làm suy giảm thị lực.
Mộng thịt ở mắt có 4 cấp độ. Độ 1: mộng thịt lan đến rìa của giác mạc; độ 2: mộng thịt lan đến điểm giữa của rìa giác mạc và bờ đồng tử; độ 3: mộng thịt xâm lấn đến bờ đồng tử; độ 4: mộng thịt xâm lấn và bao phủ cả đồng tử. Bác sĩ Nguyễn Thị Hương Duyên, Khoa phẫu thuật kiểm soát nhiễm khuẫn (Bệnh viện Mắt tỉnh) cho biết, ở giai đoạn đầu, khi mộng thịt mới xuất hiện, người bệnh không cảm thấy khó chịu gì nhiều, chỉ tình cờ phát hiện một màng dày xuất hiện trong mắt. Đến giai đoạn mộng phát triển nhiều hơn sẽ làm nước mắt tiết ra không tráng đều ở vùng có mộng thịt nên làm cho vùng này bị khô và gây ra cảm giác cộm, đỏ mắt. Thời gian về sau, khi đầu mộng phát triển vào tròng đen nhiều sẽ gây đến nhìn mờ, gây loạn thị làm cho hình ảnh bị méo lệch. Như trường hợp chị Nguyễn Thị Hằng (45 tuổi, ở thôn Đông Giang 2, xã Buôn Tría, huyện Lắk) đầu tiên thấy một cục gì mới xuất hiện trong mắt với cảm giác hơi khó chịu một chút, mắt hơi đỏ, dụi mắt thì nước mắt chảy nhưng chủ quan vì nghĩ rằng do mình làm việc trong môi trường bụi nên mắt khó chịu, chảy nước mắt. Chị Hằng đã tự mua thuốc nhỏ mắt về tra nhưng sau đó hết thuốc thì mắt lại khó chịu trở lại. Chị đi khám mắt thì được bác sĩ chẩn đoán là chị bị mộng thịt ở mắt cần phải phẫu thuật mới đảm bảo thị lực .
Theo các bác sĩ, nếu mộng còn nhỏ thì có thể không cần điều trị gì, bệnh nhân được khuyên khi đi ra ngoài nắng nên đeo kính râm có tròng kính to để bảo vệ mắt khỏi tia cực tím và tránh gió bụi vào mắt, đội mũ rộng vành để che bớt nắng. Nếu có triệu chứng khô mắt hoặc viêm thì bệnh nhân phải được điều trị thêm nước mắt nhân tạo hoặc thuốc chống viêm. Thói quen sinh hoạt tốt có thể giúp chúng ta hạn chế sự phát triển của mộng thịt, như: thường xuyên đeo kính râm khi ra ngoài trời; nếu bắt buộc làm công việc ngoài trời thì thường xuyên cho mắt nghỉ ngơi trong bóng mát sau một thời gian tiếp xúc với ánh nắng; tránh ngồi trước quạt, máy lạnh thổi vào mắt gây khô mắt; tránh bụi, gió, khói. Trong một số trường hợp mộng thịt phát triển lớn thì phải đi khám tại cơ sở y tế và điều trị dứt điểm.
Liên Chi
Ý kiến bạn đọc