Multimedia Đọc Báo in

Lười vận động dễ mắc bệnh nguy hiểm

10:43, 13/12/2020

Công nghệ phát triển, con người ngày càng dành nhiều thời gian cho các thiết bị giải trí điện tử, như: xem ti vi, lướt web, chơi game… thay vì chơi các môn thể thao phù hợp.

Những người làm việc văn phòng, thường xuyên ngồi một chỗ, ít hoạt động thể chất sẽ khiến cơ thể đối mặt với các vấn đề sức khỏe, như: mất ngủ, stress, uể oải, mệt mỏi…; nghiêm trọng hơn có thể mắc một số bệnh mạn tính, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.

Là nhân viên chăm sóc khách hàng, chị Nguyễn Thị Hải (37 tuổi, ở phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) hằng ngày đều ngồi trong văn phòng liên tục 8 giờ để tiếp nhận, xử lý các cuộc gọi của khách hàng. Sau gần 10 năm gắn bó với công việc, chị Hải nhận thấy cơ thể có một số thay đổi như: thường xuyên đau vùng cổ, khó khăn khi cúi xuống, quay đầu, bàn tay tê bì mỗi khi đi xe máy. Khi đi khám sức khỏe tổng quát, chị được bác sĩ chẩn đoán thoái hóa đốt sống cổ.

Vận động cơ thể để tăng cường thể lực.
Vận động cơ thể để tăng cường thể lực.

Tương tự, anh Nguyễn Hoài Phương (47 tuổi, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) rất lo lắng khi cùng lúc phát hiện bản thân mắc nhiều bệnh lý nguy hiểm, như: tăng huyết áp, đái tháo đường và có nguy cơ béo phì. Anh Phương cho biết mình rất ít vận động, sau giờ làm việc thường tụ tập bạn bè để nhậu nhẹt. Đến khi cơ quan cho đi khám sức khỏe định kỳ thì phát hiện cơ thể mắc nhiều bệnh.

Việc lười vận động, lười tập thể dục xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân. Ngoài những người làm công việc văn phòng bận rộn không có thời gian dành cho hoạt động này thì nhiều thanh niên lại mang tâm lý chủ quan, cho rằng cơ thể còn trẻ khỏe, khó mắc bệnh. Thậm chí để giữ vóc dáng, nhiều cô gái trẻ lựa chọn ăn kiêng thay vì vận động, tập thể thao; hoặc thời gian rảnh lựa chọn đi cà phê tán gẫu, xem phim, cầm điện thoại, máy tính lướt web… chứ không tập thể thao.

Thói quen vận động có thể được hình thành ngay từ những hành động đơn giản hằng ngày và bất cứ thời gian nào. Chẳng hạn thay vì sử dụng thang máy, bạn có thể leo thang bộ để đến nơi cần đến; đi bộ ra siêu thị gần nhà thay vì đi xe máy hay ngồi xe hơi; mỗi sáng dậy sớm hơn 30 phút để thực hiện các bài tập đơn giản tại nhà hay chạy bộ...

Theo các bác sĩ chuyên khoa, những trường hợp người còn trẻ tuổi lại mắc các bệnh của người già hiện nay ngày càng phổ biến. Ngồi nhiều, ngồi lâu, tiếp xúc nhiều với máy tính, ít khi thay đổi tư thế, ngại hoặc lười vận động… chính là những yếu tố nguy cơ thúc đẩy bệnh tật đến sớm hơn, nhất là các bệnh mạn tính về cột sống, khớp, như: đau khớp, đau vai gáy, hội chứng ống cổ tay, thoát vị đĩa đệm, căng thẳng thường xuyên… Khi không vận động, những năng lượng dư thừa từ việc ăn uống sẽ chuyển hóa thành mỡ, có thể tích tụ ở thành mạch, lâu dài sẽ khiến thành mạch bị xơ cứng, hẹp đi và có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, như: tuần hoàn máu kém, thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim.

Bên cạnh đó, hệ xương khớp muốn dẻo dai phụ thuộc nhiều vào các hoạt động hằng ngày. Nếu các khớp ít được hoạt động, bôi trơn, cơ bắp, xương sẽ yếu đi theo thời gian, gây ra hàng loạt bệnh, như: đau lưng, nhức tay, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, hội chứng ống cổ tay…

Từ đó, sức khỏe suy giảm, tinh thần sa sút, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống. “Cơ thể ít vận động sẽ sinh ra những bệnh lý, chẳng hạn như cơ bắp sẽ suy yếu vì không được rèn luyện thì sức mạnh và sức bền sẽ giảm. Bởi vậy khi có những công việc cần gắng sức thì sẽ không làm được và không có khả năng gắng sức. Bên cạnh đó, sức đề kháng của cơ thể cũng giảm, dễ bị mắc bệnh hơn, chẳng hạn như những bệnh cảm cúm. Đồng thời, hệ xương do không được tập luyện thường xuyên, đến khi có tuổi dễ bị mắc bệnh loãng xương. Ngoài ra, còn dễ mắc các bệnh lý về chuyển hóa, như bệnh rối loạn mỡ máu, tăng mỡ máu hoặc tiểu đường …”, bác sĩ Phạm Ngọc Liễu, Trưởng Khoa lão, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh cho hay. 

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, mỗi ngày mỗi người nên dành ít nhất 30 phút để vận động cơ thể nhằm thúc đẩy quá trình trao đổi chất và tăng cường hiệu quả chuyển hóa năng lượng. Vận động đều đặn mỗi ngày với một cường độ vừa phải sẽ giúp kiểm soát tốt cân nặng và tăng độ dẻo dai cho cơ thể.

Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.