Thận trọng khi mua "thuốc gia truyền" quảng cáo trên mạng xã hội
Quảng cáo bán hàng trên các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo, YouTube…) đang ngày càng phổ biến bởi đây là hình thức quảng cáo rất hiệu quả, dễ dàng tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng.
Tuy nhiên, các sản phẩm được quảng cáo qua mạng không được kiểm soát về chất lượng khiến người tiêu dùng dễ mua phải hàng giả, hàng nhái; nhất là các loại thuốc được gắn mác “gia truyền” có thể ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe người sử dụng…
Có thể nói, thuốc chữa bệnh được xem là một loại hàng hóa đặc biệt vì có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của con người. Vì vậy, việc điều chế, mua bán các loại thuốc và sử dụng các loại thuốc trong khám, chữa bệnh được Nhà nước quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật.
Các loại thuốc dù là “gia truyền” vẫn phải tuân thủ các quy trình nghiêm ngặt theo luật định để đảm bảo chất lượng rồi mới được bán ra thị trường. Thế nhưng, thực tế hiện nay, nhiều loại thuốc “chưa rõ nguồn gốc” vẫn đang được quảng cáo, chào bán rộng rãi dưới dạng những bài viết, kèm theo hình ảnh minh họa, với những lời lẽ nghe rất “bùi tai”.
Mua sắm trực tuyến ngày càng phổ biến. (Ảnh: Minh họa) |
Không dừng lại ở đó, mới đây còn xuất hiện một hình thức quảng cáo được đầu tư công phu hơn: các quảng cáo được dàn dựng như một bản tin của các đài truyền hình, trong đó giới thiệu về các “lương y” ở các vùng miền núi hoặc vùng sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Các clip quảng cáo còn có cảnh người người chen chân xếp hàng chờ khám bệnh, kèm với đó là những đoạn phỏng vấn những bệnh nhân đã được chữa khỏi hay những ý kiến tán dương của đại diện khu dân cư.
Các “lương y” thì được tâng bốc hết lời, thậm chí còn được giới thiệu đã nhận bằng khen của Nhà nước về thành tích khám, chữa bệnh. Các loại thuốc gia truyền được quảng cáo rất đa dạng, từ loại có công dụng chữa đau răng, viêm xoang, viên mũi dị ứng, viêm da cơ địa... cho đến những căn bệnh khó trị như thấp khớp, thoát vị đĩa đệm, vô sinh... nhưng chúng đều có cùng điểm chung là lời hứa hẹn về công dụng nhanh, chi phí thấp, đã trị khỏi cho nhiều người. Toàn những lời giới thiệu “có cánh” và đánh trúng vào tâm lý “có bệnh phải vái tứ phương” của nhiều bệnh nhân, nhưng chúng thường không nêu chính xác địa chỉ cơ sở khám chữa bệnh mà gợi mở cho khách hàng ở xa có thể đặt mua qua số điện thoại được cung cấp để nhận hàng tận nhà (không cần đến khám để chẩn đoán bệnh).
Mặc dù chưa có kết luận chính thức của các cơ quan có thẩm quyền về tính hợp pháp của các cơ sở khám chữa bệnh và bán thuốc như đã nêu nhưng các quảng cáo như vậy thường ẩn chứa nhiều nguy cơ lừa đảo. Người tiêu dùng, trong trường hợp này là có thể bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân nếu trót tin vào những lời quảng cáo kia rất dễ mua phải những loại thuốc giả, thuốc kém chất lượng hoặc không phù hợp với bệnh đang điều trị. Thế nên, để ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng quảng cáo, kinh doanh tràn lan các loại “thuốc gia truyền” không đúng quy định pháp luật trên các trang mạng xã hội, cần có sự vào cuộc kịp thời và quyết liệt hơn nữa của các cơ quan chức năng nhằm bảo vệ tốt nhất lợi ích của người tiêu dùng.
Phần lớn các trang mạng xã hội phổ biến ở nước ta hiện nay đều có nguồn gốc từ nước ngoài nên vấn đề kiểm duyệt tính xác thực nội dung của các quảng cáo vẫn chưa được đảm bảo. Vì vậy, người tiêu dùng cần tỉnh táo trong lựa chọn nơi khám bệnh và thuốc điều trị, nên đến các bệnh viện hay cơ sở y tế, nhà thuốc uy tín, được thành lập và hoạt động theo quy định pháp luật để có hiệu quả điều trị tốt nhất; không vội tin vào những lời quảng cáo thiếu tính xác thực trên các trang mạng để tránh “tiền mất tật mang”.
Công Thuận
Ý kiến bạn đọc