Multimedia Đọc Báo in

Chủ động phòng bệnh trong mùa xuân - hè

06:19, 12/03/2021

Thời điểm chuyển giao giữa mùa xuân và mùa hè thời tiết nóng ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn, vi rút, các côn trùng truyền bệnh như ruồi, muỗi… sinh sôi phát triển, làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa như Covid-19, sởi, quai bị, tay chân miệng, tiêu chảy...

Do đó, mọi người, nhất là những người cao tuổi có bệnh lý nền và trẻ em cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, năm 2020 toàn tỉnh có 50 trường hợp mắc bạch hầu tại 19 xã thuộc 6 huyện, thị xã, thành phố; 8 trường hợp tử vong vì bệnh dại; 5 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản; 6.861 trường hợp mắc tiêu chảy; 321 trường hợp thủy đậu; 11.729 trường hợp mắc cúm mùa; 3 trường hợp mắc Covid-19; bệnh tay chân miệng có 1.234 trường hợp và hơn 1.200 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Chỉ tính trong hai tháng đầu năm 2021, đã có 1.403 trường hợp mắc cúm mùa, 122 trường hợp mắc tay chân miệng, hơn 1.000 trường hợp tiêu chảy và 110 trường hợp mắc vi rút Rota.

Người dân nên đeo khẩu trang và thực hiện thông điệp 5K để phòng chống  dịch bệnh. Ảnh: Quang Nhật
Người dân nên đeo khẩu trang để phòng chống dịch bệnh. Ảnh: Quang Nhật

Bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo, để chủ động phòng chống dịch bệnh trong mùa xuân - hè, người dân cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp như: tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà, thủy đậu, cúm…); tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, cúm... Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hằng ngày. Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, bảo vệ và sử dụng nguồn nước sạch, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống sôi, ăn uống đủ chất, đủ chất dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả và cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất để giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng. Bên cạnh việc tiêm chủng đầy đủ các vắc xin theo độ tuổi, người dân cần có chế độ sinh hoạt nghỉ ngơi hợp lý, dinh dưỡng đầy đủ, thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao, đồng thời thực hiện nghiêm thông điệp 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế để tăng hiệu quả phòng bệnh. Khi có dấu hiệu mắc bệnh người dân cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

Đối với trẻ em, người cao tuổi, người có các bệnh lý nền như bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường… là những người có sức đề kháng yếu dễ mắc bệnh, hoặc khi mắc bệnh thường có diễn biến nặng hơn cần được đặc biệt chú ý bảo vệ sức khỏe, nâng cao sức đề kháng thông qua dinh dưỡng, sinh hoạt, tập luyện, nghỉ ngơi hợp lý, khoa học; điều trị và kiểm soát tốt các bệnh lý nền theo hướng dẫn của bác sĩ.

“Việc chủ động phòng các bệnh thường mắc phải lúc giao mùa là rất cần thiết, đặc biệt hiện nay trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Việc phòng bệnh của mỗi cá nhân không chỉ đem lại những lợi ích về sức khỏe cho bản thân mà còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cộng đồng, giúp phòng chống dịch, phòng ngừa sự quá tải trong kiểm soát bệnh tật và các gánh nặng chi phí do một lúc phải đối phó với nhiều loại bệnh dịch gây ra”, bác sĩ Lê Phúc nhấn mạnh.

Phương Nhiên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.