Multimedia Đọc Báo in

Phòng ngừa bệnh giun sán

09:06, 14/03/2021

Giun là loại ký sinh trùng cư trú trong đường ruột của người. Ai cũng có thể bị nhiễm giun và nếu không được tẩy giun định kỳ người bị nhiễm giun có thể bị ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, như: suy dinh dưỡng, thiếu sắt, thiếu máu, trẻ em thì chậm phát triển…

Từ nhiều năm nay, chị Nguyễn Thị Út (51 tuổi, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) chưa tẩy giun lần nào. Có thể đây cũng là lý do mà cách đây hơn 2 tháng, chị đi khám và làm các xét nghiệm tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) thì phát hiện bản thân bị nhiễm 3 loại giun, sán: giun lươn, giun đũa chó và sán lá gan.

Trước đó, chị Út thường xuyên bị đau đầu, da xanh xao, vàng vọt, ngứa ngáy khắp cơ thể, thể trạng còi cọc dù ăn uống vẫn bình thường. Đi khám tại các bệnh viện trong tỉnh, chị Út được chẩn đoán bị chàm và viêm da cơ địa, dù đã điều trị theo đúng toa thuốc của bác sĩ kê đơn nhưng bệnh vẫn không cải thiện. “Nếu các con tôi không hối thúc đi Quy Nhơn làm các xét nghiệm tìm ấu trùng giun sán thì đến giờ tôi vẫn nghĩ mình bị viêm da cơ địa và điều trị theo bệnh này. Đến giờ tôi vẫn không hiểu vì sao mình lại nhiễm nhiều loại giun đến thế trong khi vấn đề ăn uống của gia đình tôi rất kỹ và sạch sẽ. Cũng vì nghĩ mình ăn uống sạch sẽ thì sẽ không bị nhiễm giun nên tôi chưa từng có ý định tẩy giun định kỳ. Từ giờ tôi sẽ chủ động tẩy giun cho bản thân cũng như những người trong gia đình để phòng tránh bệnh tật”, chị Út chia sẻ. 

Trẻ được uống thuốc tẩy giun miễn phí tại Trạm Y tế phường Tân An (TP. Buôn Ma Thuột).
Trẻ được uống thuốc tẩy giun miễn phí tại Trạm Y tế phường Tân An (TP. Buôn Ma Thuột).

Còn chị H’Bích Niê (41 tuổi, ở xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) phải nhập viện cấp cứu khi đi chăm cháu tại TP. Hồ Chí Minh do bị đau vùng hố chậu phải, kèm buồn nôn, nôn khan. Kết quả chụp X-quang và siêu âm cho thấy hình ảnh giun ký sinh trong các quai ruột. Bác sĩ kết luận chị bị tắc ruột do búi giun/viêm ruột thừa. chị H’Bích thổ lộ: “Sau khi phẫu thuật và điều trị xong, đến bây giờ khi nghĩ lại tôi vẫn còn ám ảnh với hình ảnh X-quang. Từ trước đến nay, tôi và gia đình chưa từng tẩy giun lần nào”. 

Theo các bác sĩ chuyên khoa ký sinh trùng, nước ta nằm trong vùng nhiệt đới, khí hậu nóng ẩm là điều kiện thuận lợi để các loại giun truyền qua đất sinh sôi, phát triển. Kèm theo tình trạng vệ sinh môi trường, vệ sinh ăn uống kém nên nhiều người dễ dàng bị nhiễm các loại giun, như: giun đũa, giun tóc, giun móc, giun lươn… Đến nay, nhiễm giun đường ruột vẫn bị xếp vào nhóm bệnh nhiệt đới ít được quan tâm do các triệu chứng, biểu hiện bệnh không rầm rộ như nhiều bệnh truyền nhiễm cấp tính hay các nguy cơ khác nên chưa được cộng đồng quan tâm đúng mức.   

Ai cũng có thể nhiễm giun sán, đặc biệt là ở trẻ em. Hầu hết trẻ em đều có giun, thường nhiễm nhất là giun đũa và giun kim bởi trẻ hay ngậm, mút tay, nghịch dưới sàn, nền đất, đưa đồ chơi bẩn vào miệng, cầm nắm thức ăn, không rửa tay khi đại tiện… Ở người lớn, bị nhiễm giun thường là do ăn uống, như: thức ăn không sạch, chưa chín kỹ hoặc đồ ăn tái, sống, ăn các loại rau sống chưa được rửa sạch, qua bàn tay bẩn, qua nguồn nước không vệ sinh, qua sinh hoạt hằng ngày tiếp xúc trực tiếp với môi trường đất… 

Thông thường trẻ từ 2 tuổi trở lên mới nên tẩy giun, tuy nhiên trong những trường hợp trẻ bị suy dinh dưỡng, chậm lớn do nhiễm giun có thể tẩy giun sớm hơn nhưng phải được sự tư vấn và chọn loại thuốc phù hợp của các bác sĩ chuyên khoa.

Việc nhiễm giun có thể gây những ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, như: ăn uống không ngon miệng, thiếu máu, suy dinh dưỡng… Ngoài ra, nhiễm giun còn có thể gây những cơn đau cấp khi giun chui lên đường mật, đau dạ dày khi giun chui lên dạ dày, viêm tụy cấp khi giun chui lên ống tụy, tắc ruột do búi giun hay thậm chí ảnh hưởng đến các cơ quan khác khi giun di trú lên mắt, não…

Bệnh trạng của người nhiễm giun sán liên quan đến số lượng giun. Những người bị nhiễm giun với số lượng ít (vài con giun) thường không bị nhiễm trùng, không gây ra triệu chứng đáng kể. Khi giun tồn tại trong cơ thể với số lượng nhiều, chúng sẽ gây ra một loạt các triệu chứng, điển hình như: đau vùng rốn, người bệnh gầy yếu, có thể nôn và đi ngoài ra giun; đau bụng do nhiễm giun thường tái đi tái lại nhiều lần; người bị nhiễm giun thường bị ngứa ở vùng hậu môn về đêm; rối loạn tiêu hóa, phân lúc đặc, lúc lỏng, giun kim xuất hiện ở hậu môn hoặc trong phân; trẻ nhiễm giun thường biếng ăn, khó chịu hay quấy khóc và khó ngủ về đêm; có biểu hiện thiếu hụt vitamin và khoáng chất; trong một số trường hợp, người bị nhiễm giun có máu trong phân, có biểu hiện thiếu máu, thở khò khè hoặc ho khan. Do đó, khi có những triệu chứng như trên, người bệnh cần đi đến các cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời.

Để phòng bệnh giun sán, mọi người cần thực hiện ăn chín, uống chín, chỉ ăn những thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt và ăn uống; giữ gìn vệ sinh cá nhân, như: cắt ngắn móng tay, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, tuyệt đối không đi chân đất khi ra khỏi nhà; giữ gìn vệ sinh môi trường: vệ sinh sạch sẽ nơi ở, bố trí khu vực xử lý phân xa nơi ở và giếng nước; không phóng uế bừa bãi; không sử dụng phân chưa qua xử lý để tưới bón cây trồng. Đặc biệt, cần tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần để loại trừ khả năng nhiễm ấu trùng giun sán.

Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.