Multimedia Đọc Báo in

TP. Buôn Ma Thuột: Đảm bảo công tác tiêm chủng, chủ động phòng bệnh bạch hầu

08:39, 08/04/2021

TP. Buôn Ma Thuột là một trong 6 địa phương đầu tiên của tỉnh triển khai chiến dịch tiêm vắc xin bạch hầu giảm liều cho người dân trên địa bàn. Để công tác tiêm chủng diễn ra an toàn, hiệu quả, Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột đã đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân cũng như tăng cường công tác kiểm tra giám sát.

Nhận được thông báo của tổ dân phố 10 (phường Tự An), đầu giờ sáng, bà Nguyễn Thị Vui, 70 tuổi đã đến điểm tiêm chủng của tổ dân phố để được tư vấn, thăm khám và tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu. Bà Vui biết rằng bệnh bạch hầu là căn bệnh nguy hiểm, dễ lây lan nhưng có thể phòng chống bằng cách tiêm vắc xin nên khi địa phương tổ chức và thông báo người dân đi tiêm vắc xin để phòng bệnh bạch hầu, bà đã nghiêm túc chấp hành để bảo vệ sức khỏe cho bản thân cũng như gia đình và cộng đồng.

Cán bộ y tế khám sàng lọc cho học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) trước khi tiêm vắc xin.
Cán bộ y tế khám sàng lọc cho học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) trước khi tiêm vắc xin.
Đến thời điểm hiện tại, tất cả 20 xã, phường đã hoàn thành chiến dịch giai đoạn 1 và bắt đầu triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu mũi 2; chưa xảy ra trường hợp nào có phản ứng nặng sau tiêm chủng.

Cùng tổ dân phố với bà Vui, sau khi nhận được thông báo về lịch tiêm chủng vắc xin Td phòng bệnh bạch hầu, anh Nguyễn Tuấn Anh đã cùng với người thân trong gia đình chủ động sắp xếp công việc để tham gia tiêm chủng đầy đủ theo lịch. Anh cho biết, công tác tiêm chủng tại điểm tiêm được thực hiện khá tốt, các thủ tục hành chính được thực hiện nhanh chóng, người dân không phải chờ đợi. Trước khi tiêm mọi người đều được khám sàng lọc kỹ lưỡng, sau tiêm được bố trí khu vực chờ để theo dõi sức khỏe trong vòng 30 phút. Bản thân anh Tuấn và người thân đều có sức khỏe bình thường sau tiêm chủng.

Với Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, ngay sau khi tiếp nhận thông tin của UBND phường Tự An về triển khai chiến dịch tiêm vắc xin bạch hầu cho học sinh, Ban Giám hiệu nhà trường đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm giúp các bậc phụ huynh hiểu được lợi ích thiết thực của việc tiêm chủng, từ đó đồng thuận cùng nhà trường và ngành y tế chăm sóc sức khỏe học sinh, phòng ngừa dịch bệnh bạch hầu.

Theo bác sĩ Lê Thị Hồng Thúy, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Tự An, khi Trung tâm Y tế thành phố ban hành kế hoạch tiêm chủng vắc xin Td giảm liều phòng bệnh bạch hầu cho người từ 49 tháng tuổi trở lên, Trạm đã chủ động tham mưu cho UBND phường quán triệt đến các ban, ngành, đoàn thể, tổ dân phố, trường học phối hợp với Trạm thực hiện rà soát danh sách đối tượng tiêm chủng; đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức (loa phát thanh, xe lưu động, băng rôn và tuyên truyền trực tiếp). Đồng thời, triển khai nhiệm vụ đến từng điểm tiêm, tập huấn cho cán bộ y tế về công tác quản lý vắc xin, cách phòng chống phản ứng sau tiêm và cử lực lượng giám sát công tác tuyên truyền, tổ chức nhằm đảm bảo an toàn tiêm chủng theo đúng quy định. Nhờ làm tốt khâu chuẩn bị, hơn 8.000 đối tượng tiêm chủng trên địa bàn đã cơ bản hoàn thành tiêm chủng vắc xin phòng bạch hầu mũi 1.

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu mũi 1.
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu mũi 1.

Không chỉ phường Tự An, trong tháng 3 vừa qua, toàn thành phố đã có 20/21 xã, phường triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu mũi 1 (trừ xã Cư Êbur – địa phương ghi nhận ca bệnh bạch hầu đã triển khai tiêm trước đó) cho gần 286.000 người từ 49 tháng tuổi trở lên. Bác sĩ Nguyễn Văn  Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột cho biết, để công tác tiêm chủng đạt hiệu quả, trước khi triển khai chiến dịch, Trung tâm Y tế thành phố đã tổ chức tập huấn chuyên môn cho tất cả cán bộ, y bác sĩ tham gia chiến dịch; chỉ đạo các xã, phường điều tra, rà soát, lập danh sách và gửi giấy mời đến từng hộ gia đình; đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, từ đó tự giác tham gia. Quá trình triển khai chiến dịch, Trung tâm đã chia 20 xã, phường thành các cụm (mỗi cụm 4 xã, phường) và triển khai tiêm theo hình thức cuốn chiếu. 42 bàn tiêm đã được thiết lập, mỗi bàn tiêm đều có y bác sĩ khám sàng lọc, phân loại đối tượng và có hộp chống sốc cố định. Đồng thời, mỗi cụm tiêm có đội cấp cứu lưu động do bệnh viện thành phố cử đến để hỗ trợ trong trường hợp xảy ra tai biến sau tiêm chủng.

Kim Oanh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.