Multimedia Đọc Báo in

Cần chú ý phát hiện sớm bệnh tim bẩm sinh ở trẻ

09:49, 16/05/2021

Dị tật tim bẩm sinh có tỷ lệ mắc không cao, nhưng là loại dị tật gây ra nhiều hậu quả nặng nề nhất cho trẻ, thậm chí có thể khiến trẻ tử vong. Việc phát hiện sớm dị tật bệnh tim bẩm sinh và được điều trị đúng cách sẽ giúp trẻ giảm những biến chứng, có cơ hội phát triển tốt hơn về thể lực và tinh thần.

Mới 15 tháng tuổi nhưng số ngày bé H’Thúc Kpă (trú huyện Krông Búk) ở bệnh viện còn nhiều hơn ở nhà. Nhìn con xanh xao, gầy gò, chị H’Găng Kpă (mẹ bé H’Thúc) xót xa. Vợ chồng chị hiếm muộn, cưới nhau 7 năm, vất vả lắm mới có con. Thế nhưng, con sinh ra thì có biểu hiện vàng da nặng, khó thở, thở khò khè, bé bỏ bú, khóc nhiều và tím tái. Gia đình đưa cháu nhập viện khám và điều trị thì bác sĩ cho biết cháu bị tim bẩm sinh. Từ đó tới nay, trung bình mỗi tháng vợ chồng chị H’Găng phải đưa con nhập viện từ 2 - 3 lần vì sức khỏe yếu, về nhà là cháu lại khó thở. Vì bệnh tình cháu không thuyên giảm, gia đình đưa cháu vào Bệnh viện Nhi đồng 2, TP. Hồ Chí Minh khám.

Tại đây, các bác sĩ cho biết cháu bị hẹp đường thở đoạn trên nắp thanh môn đường kính 3 mm; bất thường khí – phế quản; động mạch phổi trái xuất phát bất thường từ động mạch phổi phải, vòng sau khí quản gốc trái; động mạch dưới đòn phải xuất phát từ động mạch chủ xuống vòng sau khí quản sang phải; giãn đoạn xa tĩnh mạch phổi phải. Bệnh viện đề nghị phẫu thuật sửa khí quản, cắm lại động mạch phổi, cắm lại động mạch dưới đòn phải, cột ống động mạch sau khi tình trạng nhiễm trùng ổn nhưng tiên lượng nặng vì cuộc phẫu thuật phức tạp và khó khăn. Do tính chất cuộc phẫu thuật quá phức tạp nên đến thời điểm hiện nay vẫn chưa thực hiện được.

Một trẻ bị bệnh tim bẩm sinh được chăm sóc và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng  Tây Nguyên. Ảnh: Quang Nhật
Một trẻ bị bệnh tim bẩm sinh được chăm sóc và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh: Quang Nhật

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, bệnh viện tiếp nhận rất nhiều trường hợp trẻ mắc bệnh lý tim bẩm sinh và gặp ở tất cả các lứa tuổi. Bệnh tim bẩm sinh là bệnh lý đã có sẵn và xảy ra ngay sau khi trẻ sinh ra. Bệnh có thể phát hiện ngay trong thời kỳ bào thai, lúc sinh ra hoặc trong quá trình sống. Bệnh có thể được phát hiện khi thực hiện siêu âm tầm soát trong thời kỳ bào thai, ngay sau khi sinh; cũng có một số trường hợp trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh nhưng không có biểu hiện gì do dị tật không nặng, chỉ tình cờ được phát hiện khi khám sức khỏe hoặc khám vì một lý do khác.

Bệnh tim bẩm sinh có nhiều mức độ nguy hiểm khác nhau. Với những trẻ mắc các dạng tim bẩm sinh nhẹ như thông liên nhĩ, thông liên thất lỗ nhỏ… hoàn toàn phát triển thể chất bình thường nếu không kèm theo các hội chứng bất thường khác ngoài tim. Còn các bệnh tim bẩm sinh có tình trạng suy tim tiến triển như thông liên thất lỗ lớn, kênh nhĩ thất… sẽ làm trẻ chậm tăng cân, dễ bị viêm phổi. Đối với các bệnh tim bẩm sinh có tím như Tứ chứng Fallot, bệnh tim một thất… sẽ gây tình trạng tím ngày càng gia tăng, làm ảnh hưởng sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ.

Đến nay, vẫn chưa thể xác định nguyên nhân chính xác gây ra bệnh tim bẩm sinh, có thể do nhiều nguyên nhân như: bất thường của các nhiễm sắc thể, di truyền, môi trường sống tác động lên cơ thể người mẹ lúc mang thai như: tia phóng xạ, tia quang tuyến X, hóa chất… Trẻ mắc tim bẩm sinh thường có các triệu chứng khác lạ như: trẻ hay bị ho, khò khè tái đi tái lại, thở khác thường (thở nhanh, lồng ngực rút lõm khi hít vào), viêm phổi tái đi tái lại nhiều lần; trẻ có làn da xanh xao, lạnh, vã mồ hôi; trẻ bị tím môi, đầu ngón tay, ngón chân khi khóc, khi rặn...; trẻ bú hoặc ăn kém, chậm lên cân, thậm chí không tăng cân hay sụt cân. Trẻ chậm phát triển thể chất và tinh thần so với trẻ khác. “Các bậc phụ huynh cần chú ý đến các dấu hiệu bất thường của trẻ để kịp thời thăm khám nhằm phát hiện bệnh tim bẩm sinh sớm, để có hướng điều trị phù hợp cho trẻ. Tim bẩm sinh là bệnh nguy hiểm, nhưng nếu trẻ được phát hiện và can thiệp sớm sẽ có thể chữa khỏi hoàn toàn, trẻ có cơ hội được sống khỏe mạnh và phát triển bình thường như các trẻ khác”, bác sĩ Minh nhấn mạnh.

Phương Nhiên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.