Những nguy cơ dễ gặp khi phụ nữ lớn tuổi sinh con
Các bác sĩ chuyên khoa sản cho rằng phụ nữ lớn tuổi sinh con ẩn chứa nhiều nguy cơ đáng lo ngại cho cả người mẹ và thai nhi.
Ở tuổi 44, chị Hoàng Kim C. (xã Cuôr Knia, huyện Buôn Đôn) vẫn sinh con thứ tư. Chị C. chia sẻ: “Tôi bị mất kinh khoảng 7 tháng, cứ nghĩ mình đã mãn kinh nên không sử dụng biện pháp tránh thai nào. Đến khi hay bị chóng mặt, buồn nôn, đi khám, siêu âm thì phát hiện đang mang thai ở tháng thứ hai. Mang thai ở độ tuổi này tôi thấy sức khỏe mình giảm sút rất nhiều, cơ thể thường xuyên rơi vào trạng thái uể oải, mệt mỏi, đặc biệt dễ nhiễm bệnh, nhất là bệnh cúm. Trong quá trình mang thai, mặc dù tôi ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng bằng cách ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi và uống nước cam, chanh các loại nhưng sức khỏe vẫn không được như những lần mang thai trước. Vì vậy, tôi phải sinh non khi thai mới 35 tuần tuổi”.
Hay chị Hoàng Thị H. (42 tuổi, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột), dù đã có hai con và các con đều đã trưởng thành nhưng chị H. vẫn muốn có thêm con cho vui cửa vui nhà. Song lần mang thai thứ ba khiến chị vô cùng vất vả. Do ngôi thai bị ngược, chị H. phải sinh mổ. Gần một tháng sau mổ, vết thương của chị H. vẫn bị rỉ mủ và khó lành. Chị H. đau đớn do vết thương một thì thương con gấp bội phần vì chị phải dùng kháng sinh nên con không được bú sữa mẹ. Chị H. trải lòng: “Sinh hai đứa con đầu tôi hoàn toàn khỏe mạnh chứ không như lần này, sức khỏe yếu hẳn. Vết mổ không lành là do tôi bị kháng thuốc nên kháng sinh không còn tác dụng. Rất may, sau đó 3 tháng, nhờ các bác sĩ tích cực điều trị, vết thương đã ổn hơn nhưng tôi vẫn rất đau và chưa thể làm việc được”.
Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Cư M’gar kiểm tra sức khỏe định kỳ cho một thai phụ. Ảnh: Quang Nhật |
Theo bác sĩ Đoàn Thị Hồng Nhung, Trưởng Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, độ tuổi mang thai lý tưởng nhất của người phụ nữ là từ 20 - 29 tuổi. Khả năng sinh sản, sự cân bằng nội tiết tố, chất lượng trứng và sức khỏe của phụ nữ bắt đầu giảm dần từ sau 32 tuổi và giảm nhanh hơn sau 37 tuổi. Bên cạnh khả năng thụ thai thấp, phụ nữ càng lớn tuổi sinh con càng đối diện nguy cơ lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung, dễ mắc các hội chứng như loãng xương, tiểu đường, huyết áp, cholesterol cao, tim mạch, sẩy thai, sinh non, cao huyết áp dẫn đến sản giật, sinh khó… Ngoài ra, phụ nữ lớn tuổi mang thai còn dễ mắc bệnh lý phổ biến nhất là nhau tiền đạo, khi nhau thai che lấp một phần hoặc toàn bộ tử cung. Điều này có thể gây chảy máu ồ ạt trong quá trình sinh nở. Còn thai nhi sẽ có nguy cơ tử vong, nhẹ cân, rối loạn nhiễm sắc thể (hội chứng Down, rối loạn chuyển hóa, chậm phát triển trí tuệ, dị tật…).
Bác sĩ khuyến cáo, trong trường hợp mang thai khi lớn tuổi, để hạn chế nguy cơ cho cả mẹ và con, sản phụ cần tuân thủ các nguyên tắc sau: ba tháng trước khi mang thai, người mẹ nên tiêm phòng Rubella, cảm cúm, thủy đậu…; tuân thủ đầy đủ lịch thăm khám thai của bác sĩ và thực hiện các xét nghiệm cần thiết, đặc biệt là sàng lọc trước sinh (siêu âm, đo độ mờ da gáy, xét nghiệm máu) khi thai 11 - 13 tuần tuổi, nếu kết hợp cả siêu âm và xét nghiệm máu có thể phát hiện trên 90% bất thường về di truyền học. Khi thai 22 - 24 tuần, có thể xét nghiệm sàng lọc, siêu âm hình thái học thai nhi. Ngoài ra, phụ nữ mang thai, đặc biệt là mang thai khi lớn tuổi nên có chế độ ăn giàu axít folic, canxi, sắt và protein; uống bổ sung một số loại vitamin trước khi mang thai, trong thời kỳ mang thai và sau khi sinh; không nên uống đồ uống có cồn, hút thuốc, duy trì cân nặng hợp lý từ 10 – 12 kg trong suốt thai kỳ…
Mỹ Hạnh
Ý kiến bạn đọc