Multimedia Đọc Báo in

Dành sự chăm lo tốt nhất cho trẻ em

10:33, 31/05/2010
Nhân Tháng hành động vì trẻ em năm 2010 (từ ngày 15-5 đến 30-6), phóng viên báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN QUANG TRƯỜNG, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về những hoạt động chính trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em mà ngành triển khai thực hiện và giải pháp phòng tránh tai nạn, thương tích cho trẻ trong dịp hè.
Ông Nguyễn Quang Trường.
Ông Nguyễn Quang Trường.

* Thưa ông, ngành LĐTB&XH có kế hoạch triển khai những hoạt động gì trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2010?
- Tháng hành động vì trẻ em là thời điểm tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền và triển khai các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em từ tỉnh đến cơ sở. Với chủ đề: “Tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi trẻ em”, Sở LĐ-TB&XH đã tiến hành triển khai một số hoạt động trọng điểm như:
Tổ chức các hoạt động tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, chỉ đạo tổ chức ra quân phát động điểm Tháng hành động vì trẻ em tại cấp huyện và một số xã, phường.
Tổ chức khám sàng lọc bệnh cho tất cả trẻ em bị khuyết tật hàm mặt, dị tật vận động, bị bệnh mắt và bệnh tim bẩm sinh, trên cơ sở có chỉ định mổ sẽ tổ chức đưa khoảng 200 cháu đi phẫu thuật và phục hồi chức năng tại các bệnh viện, trung tâm chỉnh hình TP. Hồ Chí Minh. Vận động các tổ chức và doanh nghiệp trao trên 150 suất học bổng cho học sinh vượt khó học giỏi và vận động xây dựng từ 3 đến 4 ngôi nhà tình thương cho trẻ em mồ côi.
Đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình 19 của Chính phủ về ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại tình dục. Triển khai mô hình xã, phường phù hợp với trẻ em và thôn, buôn, khu phố “4 không”. Đặc biệt, đối với công tác phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, Sở đã chỉ đạo mô hình “Ngôi nhà an toàn cho trẻ em” và hướng cho các địa phương xây dựng cộng đồng an toàn, trường học an toàn thông qua việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền bằng áp phích, tranh gấp, tờ rơi đưa vào một số trường học, nhà văn hóa cộng đồng, các tụ điểm sinh hoạt và cộng đồng dân cư để tuyên truyền phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em nhất là thời gian trẻ em chuẩn bị nghỉ học nhằm giảm thiểu tình trạng tai nạn thương tích trong dịp hè.
* Ông có thể cho biết cách thức và phương pháp xây dựng mô hình “Ngôi nhà an toàn cho trẻ em”?
-  Hiện nay tình trạng tai nạn thương tích trẻ em xảy ra trong gia đình chiếm tỷ lệ khá cao. Môi trường gia đình không an toàn, nhiều nguy cơ gây tai nạn đang rình rập trẻ em như: ngã cầu thang; bỏng nước sôi; tắc nghẹt đường thở do nuốt phải đồ chơi, dị vật; điện giật… đang là những cảnh báo cho các bậc phụ huynh. Chính vì vậy, xây dựng mô hình “Ngôi nhà an toàn” cho trẻ em  là việc làm hết sức cần thiết. Qua mô hình này có thể giúp cho các bậc cha mẹ và những người chăm sóc trẻ nhận biết được các mối hiểm họa xung quanh nhà và trong nhà có thể gây tai nạn thương tích cho trẻ, đồng thời có những hành động thiết thực để loại bỏ các nguy cơ tiềm ẩn đó. Phương pháp triển khai mô hình “Ngôi nhà an toàn cho trẻ em” mà Sở LĐ-TB&XH đang chỉ đạo cơ sở triển khai thực hiện bao gồm các bước sau:
Đối với cấp huyện: Phải xây dựng được thông tư liên tịch giữa huyện và xã, có sự cam kết yêu cầu địa phương xây dựng mô hình “Ngôi nhà an toàn cho trẻ em”, và cam kết của các gia đình trong việc xây dựng mô hình.
Đối với cấp xã: Thành lập được ban chỉ đạo và đội ngũ cộng tác viên để triển khai và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên. Trưởng Ban chỉ đạo phải là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND xã.
Tổ chức họp thôn buôn, chọn mỗi xã 20 gia đình có trẻ từ 0 đến 6 tuổi đã từng xảy ra tai nạn thương tích trẻ em tại nhà hoặc có nguy cơ cao và vận động các hộ cam kết thực hiện (cam kết giữa hộ gia đình và UBND xã).
Triển khai mô hình và tập huấn cho cán bộ thôn buôn tại xã và tổ chức nói chuyện chuyên đề, hướng dẫn các nội dung “Ngôi nhà an toàn cho trẻ” với nhân dân trong đó có 20 hộ đã chọn xây dựng mô hình.
Tổ chức thăm các hộ gia đình lần 1: Do không có đội ngũ cộng tác viên, nên phân công thành viên trong ban chỉ đạo mỗi người phụ trách từ 3 đến 4 hộ gia đình, hướng dẫn gia đình thực hiện và có đánh giá 13 tiêu chí về ngôi nhà an toàn. Nếu hộ gia đình đạt 70% trong 13 tiêu chí thì đạt “Ngôi nhà an toàn”.
Sau đợt kiểm tra tổ chức họp ban chỉ đạo rút kinh nghiệm và triển khai thăm hộ gia đình lần 2 (cách lần 1 từ 1 đến 3 tháng tùy theo điều kiện và nội dung triển khai của mỗi địa phương). Tỉnh sẽ phối hợp với huyện tổ chức đi kiểm tra, giám sát việc thực hiện mô hình. Qua một năm tổ chức đánh giá nếu đạt kết quả sẽ mở rộng mô hình ra nhiều xã.
Mục đích của việc xây dựng mô hình “Ngôi nhà an toàn cho trẻ em” là nhằm tạo ra được một phong trào toàn dân tích cực phòng chống tai nạn thương tích trẻ em để giảm thiểu các nguy cơ gây tai nạn thương tích góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em ở cơ sở.
- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi.
Minh Quân (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc