Multimedia Đọc Báo in

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan: “Cần có thêm những phong trào thi đua mang tính trọng điểm, đột phá”

09:19, 21/07/2010
Trong những năm qua, sức lan tỏa từ các phong trào thi đua yêu nước đã góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh của địa phương. Tại Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Dak Lak lần thứ IX, phóng viên Báo Dak Lak đã có dịp trao đổi với Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương Nguyễn Thị Doan xung quanh phát huy thành quả của phong trào thi đua trong giai đoạn cách mạng mới.

 

  * Tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Với tư cách là Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương, Phó Chủ tịch nước có thể đánh giá khái quát về phong trào thi trào thi đua qua các giai đoạn lịch sử?

- Cách đây 62 năm ngày 11-6-1948 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc đúng lúc đất nước ta đang gặp khó khăn, gian khổ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong lời thi đua ái quốc, Bác đưa ra phong trào diệt giặc dốt, diệt giặc đói, diệt giặc ngoại xâm và kêu gọi tất cả các tầng lớp trong xã hội hãy đoàn kết nhất trí xung quanh Đảng Cộng sản Việt Nam để giải phóng đất nước. Và chính từ lời thi đua ái quốc sâu sắc đó, chúng ta đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, đất nước vẫn bị chia cắt, nhiệm vụ chính trị xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất Tổ quốc được đặt ra. Với 2 nhiệm vụ chiến lược này, tinh thần thi đua ái quốc của Bác lại tỏa sáng. Bác đã trực tiếp đề ra nhiều phong trào thi đua hết sức thiết thực như: Gió đại phong, Sóng duyên hải, Cờ 3 nhất, Tiếng trống Bắc Lý... Khí thế thi đua đã lan tỏa đến từng cấp ngành và làm dấy lên nhiều phong trào như: Phụ nữ 3 đảm đang, Thanh niên 3 sẵn sàng, tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng… góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975. Sau 24 năm đổi mới, đến nay chúng ta đã khẳng định uy tín trên trường quốc tế, kinh tế phát triển, an ninh chính trị được giữ vững trật tự, an toàn xã hội ổn định, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.
 
* Dấu son lịch sử sáng ngời ngày 10-3-1975 giải phóng Buôn Ma Thuột mở màn cho Chiến dịch Hồ Chí Minh làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975 đã chứng tỏ sức sáng tạo, lòng quyết tâm, lòng dũng cảm, lòng gan dạ mưu trí của quân và dân tỉnh Dak Lak. Phó Chủ tịch nước đánh giá như thế nào về việc phát huy tinh thần đó qua các phong trào thi đua yêu nước của Dak Lak trong thời gian qua? 

- Trong tất cả những chiến thắng của dân tộc có đóng góp rất hào hùng, rất oanh liệt, rất đậm nét của quân và dân tỉnh Dak Lak. Phải thấy rằng Dak Lak đang có sức vươn lên mãnh liệt, từng bước đi lên vững chắc. Phong trào thi đua phát triển rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực, xuất hiện nhiều tập thể cá nhân xuất sắc. Kinh tế Dak Lak phát triển đều với một con số rất ấn tượng đó là GDP tăng trưởng bình quân 12%/năm; với 26.000 héc-ta rừng, chúng ta đã hoàn thành chương trình trồng 5 triệu héc-ta rừng, hàng chục nghìn hộ đã được thoát nghèo. Các công ty, trang trại mở ra đã tạo việc làm cho nhiều con em người dân tộc thiểu số. Đặc biệt, một dấu ấn rất quan trọng đó là khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố, an ninh chính trị được giữ vững, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn phát huy với lễ hội cồng chiêng, lễ hội cà phê… Những thành quả nổi bật của Dak Lak trong thời gian qua, nhân tố quyết định là vai trò lãnh đạo của Tỉnh ủy; việc tổ chức chặt chẽ, cụ thể, rõ ràng các chương trình thi đua; sự chung sức đoàn kết của các cấp ngành, thế hệ đồng bào các dân tộc trong tỉnh.

* Thưa Phó Chủ tịch nước, trước những yêu cầu trong giai đoạn cách mạng mới, phong trào thi đua yêu nước của Dak Lak sẽ cần có những hướng đi như thế nào cho phù hợp?

- Phong trào thi đua yêu nước sẽ có những nét đổi mới. Ngoài những giải pháp địa phương đã xác định như: tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể đối với công tác thi đua khen thưởng; mở rộng đối tượng, hình thức khen thưởng và xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến; tăng cường tuyên truyền; kiện toàn, củng cố và đổi mới công tác tổ chức phong trào thi đua… chúng ta cần có thêm những phong trào mang tính thời điểm, trọng tâm, trọng điểm, đột phá. Bên cạnh những phong trào mang tính “dài ngày” cần triển khai các phong trào mang tính “ngắn ngày”. Những bông hoa điển hình tiên tiến cần được chú trọng tuyên truyền, nhân rộng để tạo sức lan tỏa, cổ vũ, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Với tinh thần đoàn kết, phát huy cao độ truyền thống của mảnh đất đã thấm bao máu và nước mắt của các Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh liệt sĩ, tôi tin tưởng Dak Lak sẽ có những nốt son chói lọi hơn nữa hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đàm Gia Anh (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.