Multimedia Đọc Báo in

Bài học “tai xanh”

08:29, 16/08/2010

Những ngày qua, người chăn nuôi ở  các huyện: Ea Kar, Krông Pak, Ea Súp, Krông Buk, TP. Buôn Ma Thuột… lao đao vì dịch heo tai xanh với số heo bị bệnh lên đến hàng chục nghìn con. Đây là lần đầu tiên người chăn nuôi ở Dak Lak đối mặt với dịch bệnh gây nhiều tổn thất nặng nề này. Công tác dập dịch, chống dịch cũng đã được các ban ngành, địa phương nỗ lực triển khai. Dịch heo tai xanh đã tái đi tái lại ở các tỉnh, thành trong nước 5 năm nay, nhưng khi dịch xuất hiện ở Dak Lak, người ta vẫn thấy sự lúng túng của người chăn nuôi, họ vẫn tự mua thuốc, chữa trị theo kinh nghiệm cho đến khi dịch bệnh đã mất kiểm soát mới đi trình báo. Rồi đến những hành vi bán đổ, bán tháo heo bệnh ra thị trường, vứt xác heo chết ra đường làm cho dịch bệnh phát tán nhanh, khiến chúng ta phải đặt câu hỏi: chính quyền địa phương, thú y cơ sở ở đâu, đã làm gì? Và điều khiến ai cũng không khỏi băn khoăn là tại sao thời điểm công bố dịch bệnh cũng là khi nó đã lan rộng trên 20 xã trong toàn tỉnh?! Chính vì việc công bố dịch quá chậm mà những nỗ lực dập dịch, khống chế dịch bệnh lan tràn trở nên yếu ớt, tổn thất mà người chăn nuôi phải gánh chịu càng thêm nặng nề. Phải chăng đó là sự chủ quan của người chăn nuôi từ khâu tiêm phòng cho đến khâu chữa trị khi heo đã bị bệnh hay chính sự lơ là, tắc trách trong công tác kiểm dịch, thiếu sâu sát cơ sở của ngành liên quan, đội ngũ cán bộ thú y?!

Heo chết vì dịch bệnh ở Ea Kar bị người dân vứt ra vườn.
Heo chết vì dịch bệnh ở Ea Kar bị người dân vứt ra vườn.
Người chăn nuôi có heo bị bệnh điêu đứng đã đành, nhưng ngay cả người chăn nuôi không nằm trong vùng dịch cũng lao đao bởi thị trường tiêu thụ khó khăn. Không ít người tiêu dùng đã tạm thời “tẩy chay” thịt heo! Nhiều lò mổ vì vậy phải giảm từ 50-70% công suất hoặc tạm ngưng hoạt động chờ dịch lắng xuống. Nguyên nhân có phải vì người tiêu dùng thiếu thông tin? Không hẳn! Bởi dịch heo tai xanh đã không còn xa lạ, đã mấy năm nay, rất nhiều tỉnh thành trong cả nước phải đối mặt, chống chọi với loại dịch bệnh này. Nhiều bà nội trợ mặc dù mua thịt đã được đóng dấu của thú y, nhưng vẫn tỏ sự hoài nghi về chất lượng. Xem ra cái dấu màu tím được đóng trên thịt lâu nay chưa phát huy được hết giá trị, bị chính người sử dụng nó xem nhẹ bởi công tác kiểm định chất lượng thịt trước khi đưa ra thị trường cũng lỏng lẻo và có nhiều lỗ hổng. Không ít người băn khoăn sao không có những quầy hàng bán thịt sạch, an toàn để tạo sự tin tưởng, yên tâm cho người tiêu dùng. Lại nhớ về dịch cúm gia cầm H5N1 xuất hiện vào những năm trước, người tiêu dùng sau đó cũng đã quay lưng với thịt gà. Rồi người ta thấy những điểm bán gà sạch rải rác xuất hiện nhưng tồn tại cũng chỉ được một vài tháng, sau khi dịch bệnh được khống chế và dập tắt. Điều này cho thấy sự bất ổn trong công tác quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra sau mỗi đợt dịch qua các cuộc giao ban trong tỉnh, khu vực, nhưng khi dịch đến lại trở tay không kịp! Tất cả điều này cho thấy sự lỏng lẻo giữa các mắt xích liên kết các mối quan hệ trong ngành chăn nuôi mà chỉ khi dịch bệnh bùng phát thì người ta mới nhận ra.

 

Lê Hương

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.