Multimedia Đọc Báo in

"Bữa tiệc" nhỏ nhưng ý nghĩa của mỹ thuật Dak Lak

09:18, 08/08/2010

 “37 tác phẩm của 28 họa sĩ đang sinh hoạt tại 2 Câu lạc bộ (CLB) Mỹ thuật Dak Lak và Mỹ thuật Thừa Thiên - Huế đã mang đến Triển lãm Mỹ thuật Cao nguyên lần thứ 2 một “bữa tiệc” nghệ thuật nho nhỏ dành cho công chúng. “Bức tranh” mỹ thuật Dak Lak đã thể hiện sự phát triển về chiều sâu ý tưởng, phương thức, kỹ thuật biểu đạt với đầy đủ các chất liệu từ sơn mài, sơn dầu, lụa…”, họa sĩ LÊ VẤN, CLB Mỹ thuật Dak Lak đã chia sẻ với PV Báo Dak Lak điều đó.

* “Bữa  tiệc” nghệ thuật nho nhỏ này đã mang  điều đặc biệt gì dành cho công chúng yêu nghệ thuật ở Dak Lak thưa ông?

Họa sĩ Lê Vấn
Họa sĩ Lê Vấn
- Có lẽ đặc biệt nhất đó là “nghệ thuật sắp  đặt” đã mang đến Triển lãm như một sự kiện hết sức mới mẻ, mở đầu cho những thay đổi về cái nhìn nghệ thuật của cộng đồng với tác phẩm “Hồi ức của rừng” của tác giả Lê Thừa Tiến. Triển lãm lần này thể hiện sự phát triển cả về số lượng và chất lượng của tác phẩm. Ngay như những gương mặt cũ khi đến với Triển lãm lần này cũng đã có sự đổi mới. Bên cạnh đó, lực lượng trẻ tham gia khá đông, nét vẽ đã chững chạc và có chiều sâu hơn.

*Có ý kiến cho rằng Dak Lak  nói riêng và  Tây Nguyên  nói chung là “vùng trũng” của nghệ thuật, ông suy nghĩ gì về điều này?
- Có thể nói đó là thực tế của hoạt động văn hóa nghệ thuật ở Dak Lak  cũng như ở Tây Nguyên. Ngay như hoạt động triển lãm cũng không được tổ chức thường xuyên bởi lực lượng họa sĩ ở đây vốn đã không nhiều lại chủ yếu là nghiệp dư. Dak Lak mới chỉ có 4 họa sĩ là thành viên của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Chất lượng triển lãm chưa cao, nhiều tác phẩm còn đơn điệu chưa đạt đến độ chín về nghệ thuật. Tuy nhiên, những năm gần đây đã có nhiều tiến triển với những tín hiệu vui, hoạt động triển lãm thu hút nhiều nghệ sĩ tham gia cùng sự cổ vũ nhiệt tình của công chúng yêu nghệ thuật. Bên cạnh sự tạo điều kiện, giúp đỡ, hỗ trợ của Trung tâm Văn hóa tỉnh, Câu lạc bộ Mỹ thuật Dak Lak cũng đã năng động hơn trong tập hợp các hội viên cũng như việc kết nối với các câu lạc bộ ở tỉnh bạn. Hoạt động giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp vì vậy mà thường xuyên,  chất lượng hơn.  Ngay như triển lãm lần này cũng là sự nỗ lực, cố gắng rất nhiều của anh em trong nghề. Tuy “bữa tiệc” nghệ thuật còn khá đơn giản nhưng những “món ăn” tinh thần mà mỗi họa sĩ mang đến cho công chúng đã có sự đầu tư rất nhiều cả về chiều sâu ý tưởng lẫn phương thức biểu hiện.

Đông đảo quần chúng yêu nghệ thuật đã đến xem tranh tại triển lãm.
Đông đảo quần chúng yêu nghệ thuật đã đến xem tranh tại triển lãm.

*Tham dự Triển lãm lần này,  ông gửi đến những thông điệp gì qua tác phẩm?
Triển lãm lần này tôi chỉ tham gia một tác phẩm “Cơn mưa đang đến”, chất liệu tranh lụa với khuynh hướng hiện thực biểu hiện nên tương đối gần gũi với công chúng. Đây là tình cảm của người họa sĩ sống cũng đã khá lâu ở vùng đất này chia sẻ với những hạnh phúc, gian khổ của đồng bào mình, không chỉ riêng với đồng bào dân tộc tại chỗ mà còn có hơn 40 dân tộc khác đã cùng về đây xây dựng quê hương Dak Lak. “Cơn mưa đang đến” không chỉ mang đến mùa màng tốt tươi mà còn gieo vào niềm hy vọng về hạnh phúc trong tương lai.

 

Lê Hương (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc