Multimedia Đọc Báo in

Để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của HĐND

10:04, 07/08/2010

Trong những năm qua, việc tăng cường công tác giám sát của HĐND các cấp đã tạo những hiệu ứng tích cực trong việc giải quyết các vấn đề bức xúc ở địa phương. Tuy nhiên, hoạt động giám sát của HĐND vẫn chưa được thường xuyên, hiệu quả giám sát còn hạn chế, một số kiến nghị của HĐND chưa được các cơ quan hữu quan thực hiện nghiêm túc và kịp thời… Làm thế nào để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của HĐND, đây là một trong những nội dung được Hội nghị giao ban Thường trực HĐND các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên dành sự quan tâm, trao đổi.

Lơ Mu Ha Krong - Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Lâm Đồng: Nâng cao năng lực, trình độ để người đại biểu HĐND xứng tầm là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân

 
Thực tế hoạt động của HĐND các cấp nhiều năm qua cho thấy, vẫn còn tình trạng đại biểu chưa chủ động khi tiếp xúc cử tri; việc tham gia thảo luận và chất vấn tại kỳ họp cũng hạn chế. Không ít đại biểu tuy nắm bắt được nguyên nhân bức xúc của cử tri, xã hội nhưng còn nể nang, ngại va chạm… Nguyên nhân trước hết do lĩnh vực hoạt động của HĐND rất rộng, đòi hỏi đại biểu phải có kiến thức tổng quát và kinh nghiệm thực tiễn. Trong khi đó, quy định về tiêu chuẩn đại biểu rất khái quát, chung chung, công tác quy hoạch cán bộ để đào tạo, bồi dưỡng nhằm tạo nguồn đại biểu HĐND chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy, trình độ, kỹ năng hoạt động của một số đại biểu chưa đáp ứng yêu cầu. Đa số đại biểu hoạt động theo kiểu vừa học vừa làm, đảm trách công việc chuyên môn là chính, những đại biểu kiêm nhiệm có trình độ, nắm bắt được thông tin thường giữ những vị trí quan trọng trong các cơ quan hành pháp nên thời gian dành cho hoạt động HĐND có hạn, lại nể nang, né tránh, ít khi phản biện, chất vấn để làm rõ trách nhiệm của cá nhân, đơn vị liên quan. Một số đại biểu được bầu theo cơ cấu ít có điều kiện tiếp cận, cập nhật thông tin nên ý kiến tại diễn đàn kỳ họp ít chất lượng. Mặt khác, trách nhiệm của đại biểu chưa được quy định cụ thể. Vì vậy, chưa động viên, khuyến khích kịp thời đối với những đại biểu tâm huyết, hoạt động tích cực cũng như phê bình đối với những ai không tích cực. Chính vì vậy,  lựa chọn đại biểu HĐND phải là người gắn bó với cử tri; vừa lắng nghe và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng của cử tri, vừa giám sát, tác động và đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền giải quyết thỏa đáng các ý kiến, nguyện vọng của cử tri. Tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao năng lực, trình độ đối với đại biểu HĐND cũng là một trong những việc làm cần được thường xuyên và chất lượng hơn nữa. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách thu hút người có năng lực, kinh nghiệm, tâm huyết để nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử.

Võ Quang Tuyên, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Dak Lak: Chất lượng hoạt động các ban của HĐND là một trong những “thước đo” về hiệu quả

 

Chất lượng hoạt động của các ban HĐND đóng vai trò quan trọng và có thể xem như là thước đo về tính hiệu quả của các hoạt động HĐND nói chung, giám sát nói riêng. Đơn cử như đối với hoạt động giám sát việc thực hiện Luật Ngân sách Nhà nước, để bảo đảm các quyết định của HĐND chính xác, đúng đắn, các đại biểu phải được cung cấp đầy đủ thông tin và thực sự am hiểu về tình hình thu chi ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản hằng năm, tiến độ giải ngân của từng địa phương… Do đại biểu HĐND thuộc nhiều thành phần, chuyên môn khác nhau nên ít có điều kiện nghiên cứu sâu về lĩnh vực tài chính – ngân sách; bên cạnh đó, ngoại trừ Thường trực HĐND và phó trưởng các ban hoạt động chuyên trách, đa số đều hoạt động kiêm nhiệm, không có nhiều thời gian đầu tư cho hoạt động dân cử nên đã ảnh hưởng nhất định đến chất lượng của hoạt động giám sát, nhất là đối với hoạt động giám sát việc thực hiện Luật Ngân sách của Nhà nước. Chính vì vậy, việc nâng cao chất lượng hoạt động của các ban HĐND, đặc biệt là Ban Kinh tế - Ngân sách có ý nghĩa hết sức quan trọng. Báo cáo thẩm tra của Ban có ý nghĩa định hướng cho các đại biểu khi tham gia thảo luận và quyết định về ngân sách. Nhiều năm qua, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND Dak Lak đã trực tiếp tham gia ngay từ đầu trong quá trình xây dựng ngân sách, do vậy đã nắm được toàn bộ nội dung, tình hình tài chính – ngân sách địa phương. Nhiều ý kiến của Ban trong quá trình xây dựng, thẩm định ngân sách đã được các cơ quan chuyên môn liên quan tiếp thu, sửa đổi để hoàn thiện trước khi trình HĐND xem xét, quyết định. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giám sát, Thường trực HĐND và Ban Kinh tế - Ngân sách của tỉnh luôn có sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ với các sở, ban, ngành để đạt kết quả cao nhất. Việc thực hiện chức năng theo dõi quá trình chấp hành ngân sách cũng là một trong những biện pháp để công tác giám sát của HĐND đạt hiệu quả. Từ đó đã có những phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh kịp thời tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả trong xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh.

Chamaléa Bốc, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận: Cần có cơ chế cho “hậu giám sát”

 
Qua hoạt động giám sát có thể phát hiện những điều bất cập. Tuy nhiên, trên thực tế không phải đề nghị nào từ hoạt động giám sát cũng được thực thi nghiêm túc. Chính điều này làm giảm tính hiệu quả của hoạt động giám sát. Khác với hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành, thực thi sau đó thường rất cao, nhưng sau giám sát chỉ kiến nghị chấn chỉnh hoặc chuyển sang các cơ quan có thẩm quyền xử lý nên ngay đơn vị bị giám sát cũng coi nhẹ việc chấp hành. Việc thực hiện chức năng giám sát của đại biểu cũng còn hạn chế do các chế tài chưa cụ thể và đủ mạnh để bảo đảm các kết luận, kiến nghị sau giám sát được các cơ quan chức năng liên quan thực hiện nghiêm túc. Chính vì vậy, hậu giám sát cũng là một vấn đề đang đặt nhiều thách thức đối với hoạt động giám sát của HĐND các cấp. Luật đã quy định các chủ thể tiến hành giám sát nhưng vẫn không đưa một chế tài cụ thể nào cho hậu giám sát mà căn cứ vào đó đại biểu, HĐND các cấp có thể tác động đến cơ quan hành pháp trong việc phải thực thi những kiến nghị. Để công tác giám sát đạt hiệu quả thì ngoài việc nâng cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan dân cử phải theo dõi, đôn đốc để bảo đảm những kiến nghị sau giám sát được thực hiện, thì chế tài cho hậu giám sát là hết sức cần thiết để góp phần giảm tính hình thức trong hoạt động của HĐND.

 

L.H (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc