Gặp người lưu giữ hồn sử thi M’nông
14:35, 11/11/2010
Một lần có dịp về buôn Tul A (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) chúng tôi được gặp và trò chuyện với Điểu K’lung - nghệ nhân hát, kể sử thi M’nông. Điểu K’lung là nghệ nhân hiếm hoi ở “xứ voi” này không chỉ biết hát, kể sử thi mà còn lưu giữ một kho tàng sử thi Tây Nguyên với hơn 120 bài Ot N’drong (Ot: hát kể bằng lời văn vần, N’drong: câu chuyện cũ, cổ tích) và hơn 50 bài Ot N’drong chưa kể. Người dân nơi đây quen gọi ông bằng cái tên thân mật là Ama Hà.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà tuềnh toàng không có gì đáng giá ngoài kệ sách hàng trăm cuốn sử thi M’nông được sắp xếp gọn gàng. Dù đã bước sang cái tuổi “thất thập” nhưng ông vẫn ngày đêm miệt mài với công việc thu âm băng cassette những tác phẩm sử thi để lưu truyền cho hậu thế, cho buôn làng và truyền lại cho lớp trẻ. Từ người già cho đến lớp trẻ trong buôn mỗi khi nghe ông hát sử thi M’nông đều phải trầm trồ thán phục trước trí nhớ “siêu đẳng” dù ông chỉ học hết lớp 5 trường làng. Tuy là người ít học nhưng ông luôn tự hào là người may mắn được trời phú cho trí nhớ tuyệt vời, ông kể: Thuở nhỏ, lúc học vần, trong một đêm ông đã học và nhớ hết bảng chữ cái A, B, C…
Tiếp chúng tôi trong căn nhà tuềnh toàng không có gì đáng giá ngoài kệ sách hàng trăm cuốn sử thi M’nông được sắp xếp gọn gàng. Dù đã bước sang cái tuổi “thất thập” nhưng ông vẫn ngày đêm miệt mài với công việc thu âm băng cassette những tác phẩm sử thi để lưu truyền cho hậu thế, cho buôn làng và truyền lại cho lớp trẻ. Từ người già cho đến lớp trẻ trong buôn mỗi khi nghe ông hát sử thi M’nông đều phải trầm trồ thán phục trước trí nhớ “siêu đẳng” dù ông chỉ học hết lớp 5 trường làng. Tuy là người ít học nhưng ông luôn tự hào là người may mắn được trời phú cho trí nhớ tuyệt vời, ông kể: Thuở nhỏ, lúc học vần, trong một đêm ông đã học và nhớ hết bảng chữ cái A, B, C…
Điểu K’lung sinh năm 1941 tại xã Quảng Trực (huyện Dak R’lấp, tỉnh Dak Nông) và ông đã đến với những tác phẩm sử thi M’nông như một lẽ tự nhiên bởi ông được sinh ra trong gia đình có truyền thống hát, kể sử thi và lớn lên trên mảnh đất có nhiều nghệ nhân thuộc nhiều sử thi M’nông như: Điểu Piắt, Điểu Kuh, Điểu Klứt, Thị Doanh... Vừa tròn 7 tuổi ông đã tập hát và kể sử thi M’nông. Hồi đó, bố K’lung là người thuộc nhiều sử thi M’nông và chỉ truyền lại cho người con thứ ba (đã mất) bởi theo tập tục người M’nông thì Ot N’drong chỉ truyền lại cho một người con duy nhất trong nhà và người đó phải ăn lá ngải (một loại cây rừng có chất độc) để khi hát có giọng trong. Sau đó, người này sẽ Ot (hát) lại cho người khác nghe và một thời gian sau sẽ chết. K’lung là con út trong gia đình có 4 anh em (3 anh là Điểu Kâu – cũng là một nhà sưu tầm sử thi M’nông, Điểu Klứt và anh đã mất), vì thế ông luôn được bố mẹ dành cho nhiều tình cảm yêu thương hơn cả nên đã không được bố truyền Ot N’drong. Khi bố truyền Ot N’drong lại cho anh thứ 3 trên rừng, ông đã đi theo để “học lén” và từ đó những ca từ trong sử thi đã “gieo rắc” vào tâm hồn ông giọng điệu ngợi ca, hùng tráng. Theo như ông kể thì những gì có trên mặt đất khi loài người sinh ra đều có trong sử thi M’nông từ đất, nước, con người đến vạn vật xung quanh. Nhiều sử thi nhắc đến lòng yêu nước, mối quan hệ tốt đẹp giữa dân tộc M’nông với người Kinh và các dân tộc khác.
Nghệ nhân Điểu K’lung đang nghe lại những bài mình vừa thu âm |
Ý tưởng luôn đầy ắp. Điểu K’lung cũng đang ấp ủ nhiều dự định táo bạo khác là trước lúc về với “Bến nước ông bà” còn đủ sức khỏe để ghi âm lại 50 bài sử thi M’nông chưa kịp kể để lại cho hậu thế nhưng gánh nặng cơm áo của cuộc sống đời thường và tuổi tác đang đè nặng lên đôi vai gầy yếu của ông.
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc