Multimedia Đọc Báo in

Sau 5 năm thực hiện Đề án 02-212/TTg của Thủ tướng Chính phủ:

Tuyên truyền, vận động là yếu tố quyết định trong việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân

05:08, 08/11/2010

Đề án “Xây dựng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư” (Đề án 02-212) của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2005-2010 vừa được tổng kết với những kết quả đáng ghi nhận góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về Đề án này, phóng viên Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với ông LÊ TẤN ĐỨC, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh, Trưởng ban điều hành Đề án 02-212/TTg tỉnh.

* Xin ông cho biết mục đích chính của Đề án 02-212/TTg và cách thức triển khai tại tỉnh ta?

 

Đề án 02-212 ra đời căn cứ theo Quyết định số 28/2006/QĐ-TTg, ngày 28-1-2006 của Thủ tướng Chính phủ về Phê quyệt các Đề án chi tiết thuộc Chương trình hành động Quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005-2010. Thông qua việc thực hiện Đề án nhằm làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân ở cộng đồng dân cư; nâng cao kỹ năng tập hợp, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của MTTQ, các tổ chức thành viên, Ban công tác mặt trận, các hội, đoàn thể; xây dựng các điểm sáng, “Nhóm nòng cốt”, “Câu lạc bộ pháp luật” trong tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật; rút ra những kinh nghiệm trong việc xây dựng cơ chế phối hợp, huy động sức mạnh của toàn dân để tuyên truyền, vận động, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật ở cộng đồng dân cư. Để thực hiện hiệu quả Đề án, tỉnh ta đã thành lập Ban điều hành Đề án, xây dựng quy chế hoạt động và dự toán kinh phí thực hiện theo quy định. Ban điều hành Đề án tỉnh chọn chỉ đạo điểm ở phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột), xã Cư Ni (huyện Ea Kar) và xã Dliê Ya (huyện Krông Năng) là những địa phương có nhiều vấn đề nổi cộm về an ninh trật tự. Sau đó, tiến hành khảo sát nắm bắt hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật ở từng khu dân cư; thành lập, ban hành quy chế hoạt động của “Nhóm nòng cốt”. Ban Điều hành đề án của tỉnh cũng hướng dẫn, chỉ đạo Mặt trận các cấp chọn 2-3 khu dân cư để chỉ đạo điểm. Bên cạnh việc tổ chức tập huấn cho thành viên của các “Nhóm  nòng cốt”, Ban Điều hành Đề án của tỉnh chủ động phối hợp với Sở Tư pháp biên soạn, in ấn và phát hành hàng ngàn tờ gấp, tài liệu tuyên truyền pháp luật, tổ chức biên dịch in ấn tài liệu hỏi-đáp pháp luật trên các lĩnh vực bằng tiếng Êđê để cấp phát cho các “Nhóm nòng cốt” hoạt động ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Ngoài ra, Ban Điều hành Đề án các cấp còn tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, hội thi tuyên truyền viên pháp luật giỏi, hòa giải viên giỏi, xây dựng “Tủ sách pháp luật” ở cộng đồng dân cư…

* Những kết quả nổi bật cũng như những bài học rút ra sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án 02-212/TTg là gì, thưa ông?
Xác định rõ công tác tuyên truyền, vận động là yếu tố quyết định trong việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân nên MTTQ các cấp, các tổ chức thành viên và các ngành, đoàn thể đã có sự phối hợp thống nhất cao trong quá trình thực hiện Đề án. Với phương châm “Lấy khu dân cư làm địa bàn hoạt động, lấy lực lượng tại chỗ làm nòng cốt”, vì vậy, sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án, toàn tỉnh đã thành lập được 2.221 nhóm nòng cốt ở 2.393 khu dân cư, đạt gần 93%; xây dựng các điểm sáng về tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật tiểu biểu như TP. Buôn Ma Thuột có 23 điểm sáng, huyện Buôn Đôn 7 điểm sáng, các huyện Cư Kuin, Lak, Ea Kar mỗi huyện 3 điểm sáng... Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, mỗi địa phương đã có những biện pháp, cách thức thực hiện sáng tạo riêng, phù hợp với từng đối tượng, đặc thù kinh tế, xã hội nên đã nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, góp phần giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật, các tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư cơ bản đều được hòa giải thành công, tai nạn giao thông và các tệ nạn xã hội khác từng bước được đẩy lùi, tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp giảm đáng kể… góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Bài học kinh nghiệm chúng tôi rút ra sau 5 năm thực hiện Đề án đó là việc tuyên truyền, vận động phải gắn với tình hình, đặc điểm cụ thể của từng địa bàn. Và muốn tuyên truyền, vận động tốt cần huy động các cấp, ngành và chính người dân cùng tham gia. Bên cạnh đó cũng cần phát huy tốt vai trò của già làng, trưởng thôn, buôn, các nhân sĩ, trí thức là người dân tộc thiểu số trong công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến, vận động người dân chấp hành pháp luật; gắn công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, các phong trào thi đua yêu nước, các chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm trật tự an toàn giao thông…

* Ông có thể cho biết, trong thời gian tới, Ủy ban MTTQVN tỉnh có định hướng như thế nào để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Đề án trên?
Để tiếp tục thực hiện mục tiêu làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân, trong thời gian tới, Ủy ban MTTQ các cấp xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện Đề án giai đoạn 2011-2015; phát huy vai trò gương mẫu chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và các cá nhân tiêu biểu ở cộng đồng dân cư; xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình trong việc tuyên truyền, phổ biến, vận động chấp hành pháp luật; nâng cao hiệu quả hoạt động của các “nhóm nòng cốt”, “Câu lạc bộ pháp luật”. Kế đến là tiếp tục kiện toàn Ban điều hành Đề án các cấp, phấn đấu xây dựng 100% khu dân cư có “Nhóm nòng cốt”; tổ chức tập huấn bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền, vận động, cung cấp tài liệu, văn bản pháp luật thiết yếu cho “Nhóm nòng cốt”, “Câu lạc bộ pháp luật” phù hợp với đặc điểm của từng địa phương; lồng ghép công tác phổ biến, giáo dục, vận động chấp hành pháp luật với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trọng tâm là phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; giám sát thực hiện pháp lệnh dân chủ ở cơ sở ; việc thực hiện hương ước, quy ước ở cộng đồng dân cư; cụ thể hóa các tiêu chí về công nhận điểm sáng chấp hành pháp luật gắn với công nhận các danh hiệu khu dân cư tiên tiến, khu dân cư văn hóa…

* Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Xuân (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.