Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân: Hiệu quả từ những cách làm sáng tạo

09:43, 17/11/2010

Xuyên suốt chiều dài lịch sử, đại đoàn kết toàn dân tộc đã tạo nên sức mạnh Việt Nam, là nhân tố tạo nên thắng lợi trong cuộc đấu tranh đánh đuổi giặc ngoại xâm để giành, bảo vệ nền độc lập và dựng xây đất nước. Ở bất kỳ giai đoạn nào, sức mạnh to lớn ấy được tổng hợp từ nhiều giai tầng trong xã hội. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay, ngày càng có nhiều điển hình với những cách làm sáng tạo về vận động, tập hợp quần chúng, trở thành hạt nhân, trung tâm của khối đại đoàn kết.

* Già làng Y JHING BYĂ, buôn Ky, phường Thành Nhất (TP. Buôn Ma Thuột): Là nhịp cầu liên kết khối đại đoàn kết dân tộc, bản thân phải luôn gương mẫu, đi đầu

 

Để có sự tín nhiệm, tin tưởng của bà con và làm tròn trọng trách là nhịp cầu liên kết khối đại đoàn kết dân tộc thì bản thân tôi và gia đình phải thật sự gương mẫu, luôn đi đầu trong việc chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Với vai trò là già làng buôn Ky, tôi thường xuyên nghiên cứu, tìm tòi học tập, nắm bắt các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đồng thời phối hợp với các trưởng dòng họ, các đoàn thể trong buôn và chính quyền địa phương tổ chức các đợt sinh hoạt lồng ghép vào các cuộc họp toàn dân, sinh hoạt các đoàn thể nhằm tuyên truyền vận động các hộ gia đình nên giáo dục con em mình giữ gìn tốt tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội của địa phương; đồng thời giải thích những vướng mắc của bà con nhân dân, nhất là về công tác dân tộc và tôn giáo… làm cho bà con nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và nhận thấy được âm mưu, thủ đoạn chống phá chính quyền cách mạng của các thế lực thù địch. Tôi đã cùng với địa phương vận động bà con đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, thực hiện tốt hương ước của buôn nên số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa hằng năm đạt tỷ lệ trên 80,6%. Tôi cũng đã cùng với các đoàn thể vận động bà con nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào cây trồng vật nuôi, đầu tư thâm canh để tăng năng suất, tăng thu nhập và vận động bà con đoàn kết tương trợ giúp đỡ nhau về con giống, cây trồng, vật nuôi, kinh nghiệm làm ăn. Từ đó đời sống bà con trong buôn được nâng cao, qua khảo sát trong buôn hiện nay số hộ giàu chiếm 12%, hộ khá chiếm 39%, hộ trung bình chiếm 43,7%, hộ nghèo chỉ còn 5,3%...

* Ông LÊ HỮU CHỈNH, Nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Dak Lak: Chú trọng, khuyến khích hơn nữa vai trò của già làng, trưởng buôn trong công tác vận động quần chúng ở cơ sở

 
Suốt hai cuộc kháng chiến 30 năm và từ khi thống nhất đất nước, Mặt trận đã vận động quần chúng, tạo thành sức mạnh tổng hợp, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cách mạng. Ở Dak Lak có tới 44 dân tộc anh em từ nhiều miền đất nước cùng chung sống, vai trò của Mặt trận càng thể hiện rõ trong việc giữ gìn an ninh xã hội, ổn định chính trị, ổn định đời sống, tiếp tục xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư để góp phần xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh như Bác Hồ và Đảng ta mong muốn.
Với riêng tôi, hơn 10 năm là Ủy viên MTTQ tỉnh, làm cầu nối chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đối với giới văn nghệ sĩ, luôn tâm niệm làm thế nào để đoàn kết các văn nghệ sĩ, chăm lo phát triển đội ngũ làm văn nghệ thuộc nhiều dân tộc thiểu số. Vì vậy đã có đội ngũ đông đảo ở khắp các chuyên ngành, từ văn học đến mỹ thuật; từ văn nghệ dân gian đến âm nhạc; từ nhiếp ảnh đến sân khấu. Các trại sáng tác đều có trại viên là người dân tộc thiểu số; trại bồi dưỡng hằng năm cho học sinh đều có học sinh các dân tộc tham gia. Sau khi nghỉ hưu, tôi tiếp tục tham gia Hội Liên lạc Việt kiều yêu nước của TP. Buôn Ma Thuột và của tỉnh, làm Trưởng ban biên tập bản tin của Hội để tuyên truyền đến kiều bào và thân nhân kiều bào, góp phần làm hiểu thêm sự đổi thay của quê hương, đất nước.
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất, tôi thấy tỉnh nên chú trọng, khuyến khích hơn nữa vai trò của già làng, trưởng buôn để làm công tác vận động quần chúng ở cơ sở như cho đi tham quan học tập, tăng phụ cấp…; tổng kết công tác đội ngũ trí thức người dân tộc thiểu số ở các ngành cho đến toàn tỉnh, đó cũng chính là nêu cao đại đoàn kết như Bác Hồ đã dạy: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.

* Ông DƯƠNG LÊ SƠN, Phó Chủ tịch MTTQ phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột): Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân được thể hiện rõ nét qua những đổi thay, phát triển về kinh tế, xã hội tại địa phương

 

Là một phường có địa bàn rộng, với gần 5.000 hộ, 15 dân tộc anh em sinh sống và 4 tôn giáo: Công giáo, Phật giáo, Tin lành và Cao đài, nên việc phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân được thể hiện rõ nét qua những đổi thay, phát triển về kinh tế, xã hội cũng như ổn định về an ninh, chính trị tại địa phương. Trong những năm qua, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa” đã được triển khai sâu rộng trên địa bàn phường với kết quả đáng kể: Năm 2007, phường Ea Tam có 4 khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa, 2 khu dân cư tiên tiến, 2.772 hộ (63%) đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Đến năm 2010, phường Ea Tam có 7 khu dân cư văn hóa, 3 khu dân cư tiên tiến và 3.872 hộ (83,9%) đạt danh hiệu gia đình văn hóa.
Với vai trò cá nhân, tôi luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, triển khai kịp thời các công tác chuyên môn của Mặt trận. Tôi cho rằng, để phát huy toàn bộ sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc cần luôn gắn liền với yêu cầu mở rộng dân chủ và giữ vững kỷ cương trong đời sống xã hội trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... ở tất cả các cấp, các ngành; từ đó cần chăm lo phát huy và bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân theo pháp luật, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh những biểu hiện vi phạm quyền dân chủ của nhân dân, cũng như những biểu hiện lợi dụng dân chủ để vi phạm pháp luật, kích động nhân dân, gây rối trật tự công cộng, ảnh hưởng đến sự ổn định xã hội, làm sứt mẻ tình cảm và chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc…

* Ông NGUYỄN ĐĂNG QUÝ, Phó Chủ tịch MTTQ phường Tân Lợi (TP. Buôn Ma Thuột): Xây dựng tốt khối đại đoàn kết toàn dân sẽ mang lại những hiệu quả to lớn và toàn diện

 
Những năm qua, bản thân tôi luôn sát cánh cùng tập thể thực hiện tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia sinh hoạt ở các tổ chức, hội đoàn thể cũng như vận động các tổ chức đoàn thể thành viên củng cố, phát triển cả về số và chất lượng. Bên cạnh đó, phát huy vai trò của Mặt trận là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, chúng tôi còn tăng cường vận động các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ, tham gia xây Đảng, xây dựng Nhà nước trong sạch vững mạnh thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức vụ chủ chốt, giám sát các cán bộ đảng viên nơi cư trú. Qua đó, đã giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình, nêu cao tính gương mẫu, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận, từng bước hoàn thiện mình.
Song song với các hoạt động này, thời gian qua, MTTQ phường cũng như các chi hội ở tổ dân phố và chi hội buôn đã tích cực, chủ động vận động các tầng lớp nhân dân tham gia Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”. Cuộc vận động đã được đông đảo nhân dân hưởng ứng, qua đó góp phần cùng cấp ủy Đảng, chính quyền chăm lo đời sống vật chất cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Cụ thể, mỗi năm, nhân dân trên địa bàn đã đóng góp được 49 triệu đồng cho Quỹ “Ngày vì người nghèo”, đặc biệt, năm 2010, ngoài số tiền đóng góp của nhân dân, MTTQ phường còn vận động các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn phường đóng góp được 60 triệu đồng ủng hộ quỹ. Từ số tiền này, trong 8 năm qua (từ năm 2003 đến nay), chúng tôi đã xây dựng được 13 căn nhà cho người nghèo và tổ chức các hoạt động giúp đỡ người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn, từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn (đến nay, toàn phường chỉ còn 21 hộ nghèo theo tiêu chí cũ).

*Già làng Y YƠH KBUÔR, buôn KMrơng Prông A, xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột): Nói đến đâu làm đến đó để bà con thấy mà tin rồi làm theo

 

Nếu nói về kinh nghiệm trong việc tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, thực tế tôi cũng chẳng có kinh nghiệm gì lớn lao, mà chỉ nói đến đâu làm đến đó nên bà con thấy mà tin rồi làm theo. Là người đứng đầu buôn làng, có vai trò liên kết khối đại đoàn kết toàn dân, thời gian qua, bản thân tôi và gia đình luôn gương mẫu, đi đầu trong việc chấp hành tốt các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt quy ước khu dân cư và luật tục phù hợp với pháp luật; thường xuyên giáo dục con cháu phải học tập tốt, nâng cao nhận thức, trình độ và tham gia phòng, chống các tệ nạn xã hội và xóa bỏ các tập tục lạc hậu. Bên cạnh đó, tôi cũng thường xuyên nghiên cứu các chủ trương chính sách pháp luật của Nhà nước để có cơ sở kiến thức vững chắc để làm nền tảng cho công tác tuyên truyền. Với bà con, tôi luôn tận dụng “mọi lúc mọi nơi” để tuyên truyền, vận động mọi người xây dựng tình đoàn kết trong buôn làng, từ đó cùng nhau thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Hằng tháng, tôi đã phối hợp với các trưởng dòng họ, các đoàn thể trong buôn và chính quyền địa phương tổ chức các đợt sinh hoạt lồng ghép vào các cuộc họp toàn dân, sinh hoạt các đoàn thể để tuyên truyền vận động các hộ gia đình tham gia giữ gìn tốt tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội của địa phương. 
Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân là việc làm quan trọng và việc bảo vệ thành quả ấy cũng quan trọng không kém. Chính vì vậy, để giữ gìn được mối đoàn kết trong buôn làng, tôi đã phối hợp với các cấp chính quyền tổ chức tuyên truyền, phát hiện và kịp thời kêu gọi, động viên, tổ chức giáo dục những người lầm đường lạc lối của buôn không nghe, không tin và không làm theo lời xuyên tạc của kẻ xấu. Nhờ vậy, những người trước đây đã từng làm theo lời dụ dỗ của kẻ xấu đã nhận ra sai lầm, trở về với gia đình, hòa nhập với cộng đồng, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Không những thế, họ còn giúp chính quyền vạch trần âm mưu, thủ đoạn của kẻ xấu để đồng bào trong buôn biết và cảnh giác.

Kim Oanh – Lan Anh (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.