Nỗ lực cho năm 2011
Nghị quyết về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng trên địa bàn tỉnh năm 2011 được HĐND tỉnh thông qua vào đầu tháng 12-2010 đã xác định: Năm 2011 là năm có ý nghĩa đặc biệt đối với nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh, là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và kế hoạch 5 năm 2011-2015. Theo đó, mục tiêu đặt ra đối với các cấp, các ngành, các địa phương là tập trung mọi nỗ lực phấn đấu thúc đẩy sản xuất phát triển, duy trì tốc độ tăng trưởng cao, bền vững; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; đổi mới mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nâng cao rõ rệt chất lượng giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và y tế, văn hóa, thể dục thể thao; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Kết hợp giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, chăm lo công tác quần chúng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh và bảo đảm quốc phòng - an ninh...
Nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu này, UBND tỉnh và các cấp, các ngành và các địa phương đã xây dựng định hướng cụ thể về mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2011
Năm 2011 là năm có ý nghĩa đặc biệt đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong ảnh: Trung tâm Ngã sáu Buôn Ma Thuột. (Ảnh: Nam Sơn) |
Đồng chí Lữ Ngọc Cư, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Thực hiện tốt các giải pháp mang tính đột phá
Sau khi HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết về phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh năm 2011, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ theo từng lĩnh vực cụ thể. Theo đó, về lĩnh vực kinh tế, yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tập trung thực hiện các giải pháp để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, từng bước nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và từng sản phẩm. Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cả trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong đó đẩy mạnh đầu tư các dự án có hiệu quả, các công trình hạ tầng quan trọng, tập trung vốn cho các công trình hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2011 – 2012. Triển khai linh hoạt các chính sách tiền tệ của Nhà nước nhằm giữ vững ổn định kinh tế, phòng ngừa lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế... Về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo và các lĩnh vực xã hội, trong năm 2011 cần có giải pháp hữu hiệu tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong việc chuyển giao ứng dụng và phát triển công nghệ cao, kỹ thuật công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp. Thực hiện hỗ trợ và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật tại các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Đẩy mạnh xã hội hóa để huy động tốt hơn nữa các nguồn lực xã hội cho giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục, thể thao... Đối với lĩnh vực bảo vệ tài nguyên, môi trường, tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện ngăn ngừa, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về môi trường. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức về môi trường. Gắn nhiệm vụ, mục tiêu bảo vệ môi trường với phát triển KT-VH theo quan điểm phát triển bền vững...
Để thực hiện tốt những nhiệm vụ đặt ra trong thời gian đến, theo tôi chúng ta cần phải triển khai một số giải pháp mang tính đột phá là: Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước; gắn với việc ban hành chính sách thu hút đầu tư đồng bộ, thông thoáng nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển cà phê bền vững, kế hoạch phát triển cao su, dự án phát triển ca cao; chế biến nông – lâm sản và xuất khẩu để nâng cao hiệu quả ngành nông nghiệp và công nghiệp. Đánh giá hiệu quả đầu tư trên lĩnh vực du lịch và có kế hoạch thu hồi các dự án du lịch kém hiệu quả; đẩy mạnh tổ chức xúc tiến thu hút đầu tư trên lĩnh vực du lịch với các sản phẩm mới, chuẩn bị một số dự án kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm năng, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ lĩnh vực kinh doanh du lịch. Một giải pháp mang tính đột phá quan trọng nữa là hoàn thành công tác quy hoạch đô thị Buôn Ma Thuột và các đô thị thuộc tỉnh bảo đảm cho sự phát triển trong tương lai theo định hướng phát triển đến năm 2020. Tranh thủ nguồn vốn ngân sách Trung ương, vận động nguồn vốn ODA và tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư một số công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội...
Ông Huỳnh Ngọc Luân, Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột: Tập trung đầu tư duy trì tăng trưởng kinh tế cao và bền vững
Trong năm qua, tình hình kinh tế của thành phố tiếp tục tăng trưởng và phát triển khá cao. Hầu hết các chỉ tiêu về kinh tế – xã hội đều đạt và vượt kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng chung đạt 17,92%. Một số lĩnh vực tăng cao so với năm 2009 là: Công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, Thương mại – dịch vụ. Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đạt 1.826 tỷ đồng, tăng 27,42% so với năm 2009. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn ước đạt 9.158 tỷ đồng, tăng 32% so với năm trước...
Năm 2011 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 5 năm về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015 và cũng là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên (giai đoạn 2010-2020). Xác định được ý nghĩa quan trọng đó, chúng tôi đã xây dựng cho mình những chỉ tiêu cụ thể trong kế hoạch năm 2011 là: Duy trì tốc độ tăng trưởng chung 17%; giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 2.200 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn đạt trên 11.900 tỷ đồng; tổng thu ngân sách Nhà nước đạt trên 1.196 tỷ đồng... Tập trung mọi nguồn lực đầu tư duy trì phát triển kinh tế cao và bền vững. Để đạt được những chỉ tiêu như đã nêu trên, nhiệm vụ trọng tâm đặt ra trong thời gian tới là tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng công nghiệp – xây dựng ở mức cao, xây dựng cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư mở rộng sản xuất công nghiệp, đổi mới công nghệ. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Phối hợp tốt với các ngành tạo thuận lợi để các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng chợ, sớm đưa khu C chợ Buôn Ma Thuột đi vào hoạt động và triển khai xây dựng khu B; triển khai xây dựng chợ đầu mối, chợ tổng hợp Tân An, Tân Hòa... Tập trung đầu tư đầu tư thâm canh và chủ yếu là nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, tạo ra vành đai thực phẩm cung ứng cho thành phố, các khu, cụm công nghiệp và trong khu vực. Một nhiệm vụ quan trọng nữa trong năm nay là phải hoàn thành điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 và điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2025...
Ông Lê Xuân Biểu, Giám đốc Sở GTVT: Rà soát quy hoạch phát triển hệ thống giao thông
Nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XV về phát triển GTVT đến năm 2015, chúng tôi xác định một số nhiệm vụ trọng tâm cần giải quyết trong năm 2011. Trước hết là tiến hành rà soát quy hoạch phát triển GTVT đến năm 2020, triển khai các chỉ tiêu phát triển giao thông đến năm 2015 như nhựa hóa hoặc bê tông, xi măng hóa 100% đường tỉnh, 80% đường huyện, 50% đường xã và 100% các xã có đường nhựa đến trung tâm. Để thực hiện các mục tiêu trên, trong năm 2011, ngành GTVT sẽ nhựa hóa hoặc bê tông hóa thêm 5% đường tỉnh, 6% đường huyện, 5% đường xã và phấn đấu có thêm 6 xã có đường nhựa đến trung tâm. Thông qua các giải pháp như tăng cường quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ do Bộ GTVT ủy quyền (các Quốc lộ 27, 14C và toàn bộ 14 tuyến đường tỉnh); phối hợp, hướng dẫn các địa phương quản lý và bảo trì hệ thống đường huyện, đường xã hiện có; tham mưu cho UBND tỉnh và phối hợp với UBND các huyện Cư M’gar, Krông Buk, Ea H’leo, thị xã Buôn Hồ và TP. Buôn Ma Thuột làm tốt công tác giải phóng mặt bằng để trong năm 2011 sẽ bàn giao Bộ GTVT triển khai dự án đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua tỉnh; phối hợp với một số huyện khác xây dựng Quốc lộ 14 C và tỉnh lộ 10 do nguồn vốn thuộc dự án ADB 5, trong đó Quốc lộ 14 C sẽ hoàn thành giai đoạn 1 (nền đường và mặt đường cấp phối) và hoàn chỉnh tỉnh lộ 10 (nối huyện Krông Ana với huyện Cư Kuin).
Đối với lĩnh vực vận tải, tập trung triển khai luật Giao thông đường bộ, các nghị định, thông tư về quản lý vận tải... Đẩy mạnh phát triển vận tải hàng hóa, hành khách công cộng bằng xe buýt để phục vụ phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh quốc phòng tại địa phương.
Ông Tăng Hải Châu, Phó Giám đốc Chi nhánh NHNN Dak Lak : Đẩy mạnh cho vay nông nghiệp nông thôn và xuất khẩu
Trong năm 2011, ngành Ngân hàng Dak Lak sẽ tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng hoạt động ngân hàng, thực hiện có hiệu quả công tác cung ứng vốn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Về phía Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Dak Lak sẽ tăng cường công tác thanh kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) nhằm giữ ổn định thị trường tiền tệ, nhất là mặt bằng lãi suất theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN Việt Nam. Thông qua công tác này nhằm kịp thời phát hiện, cảnh báo, ngăn chặn những sai phạm có thể xảy ra để bảo đảm hoạt động ngân hàng trên địa bàn luôn an toàn, hiệu quả và đúng pháp luật. Song song đó là triển khai thực hiện 2 luật mới ban hành, gồm: Luật NHNN và Luật các TCTD. Đặc biệt, NHNN tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tăng cường công tác huy động vốn và cho vay đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Trong công tác cho vay, chú trọng cơ cấu lại đầu tư tín dụng theo hướng tập trung cho 2 lĩnh vực trọng tâm, đó là cho vay nông nghiệp – nông thôn và cho vay xuất khẩu. Cho vay nông nghiệp – nông thôn bao gồm: cho vay phát triển ngành nghề tại nông thôn; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn; chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm, thủy sản; kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ phục vụ nông, lâm nghiệp và thủy sản; phục vụ sản xuất công nghiệp, thương mại và cung ứng các dịch vụ phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn; tiêu dùng nhằm nâng cao đời sống nhân dân ở nông thôn và cho vay theo các chương trình kinh tế của Chính phủ. Trong đó cho vay xuất khẩu sẽ chú trọng cấp tín dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của tỉnh.
Việc tập trung đầu tư tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho 2 lĩnh vực này tiếp cận nguồn vốn tín dụng sẽ được thực hiện theo hướng áp dụng một số chính sách ưu đãi về lãi suất, điều kiện, thủ tục vay vốn…
Ông Trần Văn Ánh, Chi Cục trưởng Chi cục Thuế TP. Buôn Ma Thuột: Nâng cao hơn nữa chất lượng công tác chống thất thu thuế
Dự báo, công tác thu ngân sách nói chung, thuế, phí và lệ phí nói riêng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột trong năm 2011 sẽ có nhiều thuận lợi xen lẫn khó khăn. Do đó, nhiệm vụ trọng tâm trong năm này là tăng cường công tác chỉ đạo, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác chống thất thu ngân sách. Theo đó, các doanh nghiệp kinh doanh có số thuế “âm” liên tục trong nhiều năm liền; thu nhập chịu thuế so với doanh thu “âm” hoặc thấp; thường xuyên báo cáo lỗ nhưng vẫn mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh… sẽ được lựa chọn để tiến hành thanh kiểm tra. Chi cục thuế cũng đã đề ra mục tiêu, trong năm 2011 sẽ giám sát hồ sơ khai thuế khoảng 20% trên tổng số doanh nghiệp thuộc diện quản lý của chi cục; phấn đấu thu khoảng 25 – 30 tỷ đồng từ công tác chống thất thu, tức tăng khoảng 30% so với kết quả thực hiện năm 2010. Một số nhiệm vụ quan trọng kế tiếp đó là, soát xét và tăng cường các biện pháp xử lý nợ đọng và cưỡng chế thu hồi nợ thuế theo quy định; tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính thuế; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra nội bộ nhằm kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn thiếu sót của cán bộ, công chức nếu có…
Ngoài ra, Chi cục Thuế cũng sẽ tham mưu cho Thành ủy, UBND TP. Buôn Ma Thuột chỉ đạo các đơn vị có liên quan tăng cường công tác phối hợp với cơ quan thuế trong việc thu ngân sách Nhà nước; tiến hành tổng kết công tác thuế năm 2010 vào những ngày đầu của năm 2011 để kịp thời đánh giá kết quả thực hiện năm 2010 và triển khai nhiệm vụ năm 2011. Phấn đấu thực hiện hoàn thành dự toán tổng thu cân đối ngân sách năm 2011 là 1.226 tỷ đồng mà HĐND TP. Buôn Ma Thuột đã giao.
Ý kiến bạn đọc