Sau 2 năm thực hiện Luật Bảo hiểm Y tế:
Việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT vẫn còn nhiều vướng mắc
Đã 2 năm kể từ khi Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) có hiệu lực thi hành, song, trên thực tế việc thi hành Luật vẫn còn nhiều vướng mắc gây khó khăn cho cả cơ sở y tế lẫn người tham gia BHYT. Để giúp bạn đọc nắm được những thông tin sau 2 năm triển khai Luật BHYTtrên địa bàn tỉnh, Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Kim Liên, Trưởng phòng Giám định chi, Bảo hiểm Xã hội tỉnh về vấn đề này.
* Bà có thể cho biết một vài kết quả nổi bật ở tỉnh ta sau 2 năm triển khai Luật BHYT?
- Luật Bảo hiểm Y tế ra đời tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân và ngày 1-7 cũng được chọn là ngày BHYT Việt Nam, đánh dấu một bước phát triển mới trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Tại Dak Lak, được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thời gian qua, BHXH tỉnh đã phối hợp với Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục – Đào tạo, Sở Tài chính… đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật BHYT dưới nhiều hình thức sinh động. Đồng thời BHXH tỉnh đã ký hợp đồng khám chữa bệnh (KCB) BHYT với 26 cơ sở KCB (trong đó có 25 cơ sở công lập và 1 cơ sở ngoài công lập) và 184 trạm y tế xã, phường. Qua 2 năm thực hiện Luật, các cơ sở khám chữa bệnh đã khám và điều trị cho 4.370.135 lượt người, trong đó có 4.143.955 lượt ngoại trú và 226.180 lượt nội trú. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh cũng đã phối hợp kiểm tra giám sát việc triển khai thực hiện Luật BHYT tại các cơ sở KCB BHYT cũng như các tram y tế, chấn chỉnh kịp thời các sai sót, thống nhất xử lý, giải quyết tốt những tồn tại trong quá trình triển khai Luật BHYT, góp phần chấn chỉnh và hướng dẫn các đơn vị thực hiện tốt Luật BHYT.
* Được biết, hiện nay việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT trên địa bàn theo quy định của Luật vẫn còn chậm. Vậy, theo bà đâu là nguyên nhân của vấn đề này?
- Trên thực tế, việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT trên địa bàn theo quy định của Luật còn chậm xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết là do các văn bản còn chậm và thiếu đồng bộ; cách hiểu văn bản của các đơn vị còn khác nhau dẫn đến một số đơn vị trốn tham gia BHYT, nhất là khu vực ngoài quốc doanh (hiện mới chỉ có 20% số lao động ở khu vực ngoài quốc doanh tham gia BHYT) trong khi các biện pháp chế tài chưa đủ mạnh. Bên cạnh đó mức đóng BHYT của học sinh sinh viên tăng cao nên số lượng tham gia giảm so với những năm trước. Hơn nữa, đến thời điểm này vẫn chưa có biện pháp chế tài đối với các trường không tham gia BHYT, cộng với công tác y tế học đường ở một số trường còn yếu nên chưa thu hút học sinh tham gia. Ngoài ra, với nhóm đối tượng cận nghèo, số người tham gia chưa nhiều một phần là do công tác điều tra khảo sát còn chậm, phần khác là không đủ điều kiện mua thẻ BHYT do kinh tế khó khăn (đối tượng này được Nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí khi mua thẻ BHYT). Riêng với trẻ em dưới 6 tuổi, do việc lập danh sách từ các xã, phường còn chậm nên công tác cấp thẻ BHYT cho đối tượng này cũng chưa đạt được yêu cầu đề ra.
Trẻ dưới 6 tuổi chưa có thẻ BHYT có thể dùng giấy khai sinh, chứng sinh để thay thế khi đi KCB tại các cơ sở y tế. |
* Vậy, với những trẻ em dưới 6 tuổi chưa được cấp thẻ BHYT, việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh sẽ thực hiện như thế nào, thưa bà?
- Trẻ em dưới 6 tuổi dù có hay không có thẻ BHYT vẫn được khám và điều trị theo chế độ BHYT. Đối với những trẻ dưới 6 tuổi khi đi KCB tại các cơ sở y tế, nếu chưa có thẻ BHYT thì xuất trình giấy khai sinh, giấy chứng sinh để thay thế. Trường hợp phải điều trị ngay sau khi sinh mà chưa có giấy chứng sinh thì thủ trưởng cơ sở y tế và cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án để thanh toán với BHXH và chịu trách nhiệm về việc xác nhận này.
* Việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh khi bị tai nạn giao thông đang là vấn đề được nhiều người tham gia BHYT quan tâm. Đến thời điểm này, việc thanh toán nói trên đã có gì thay đổi so với trước (người có thẻ BHYT phải tự chứng minh mình không vi phạm Luật Giao thông đường bộ mới được thanh toán chi phí khám chữa bệnh), thưa bà?
- Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành dự thảo thông tư hướng dẫn thủ tục thanh toán chi phí khám, chữa bệnh (KCB) cho người tham gia BHYT bị TNGT. Với quy định mới người có thẻ BHYT bị TNGT khi đi KCB dù chưa có đủ căn cứ xác định có vi phạm luật giao thông vẫn được cơ quan BHXH thanh toán chi phí KCB. Trách nhiệm xác nhận việc người bị TNGT có vi phạm pháp luật về giao thông hay không sẽ do cơ quan BHXH phối hợp với cơ quan công an trên địa bàn để xác minh nguyên nhân xảy ra TNGT. Trong 24 giờ, kể từ khi người bị TNGT tới cơ sở y tế để KCB, cơ quan BHXH phải thông báo cho bên công an để có thông tin xác nhận tình trạng vi phạm pháp luật về giao thông đối với người tham gia BHYT bị TNGT. Trường hợp không xác định được đúng - sai của bệnh nhân, quỹ BHYT sẽ chịu trách nhiệm thanh toán khoản viện phí này. Tuy nhiên, đến thời điểm này, thông tư nói trên vẫn chưa có hiệu lực thi hành, do đó, chưa có văn bản nào thay thế các quy định đã ban hành trước đây. Chính vì vậy, hiện tại người có thẻ BHYT vẫn phải tự chứng minh mình không vi phạm Luật Giao thông đường bộ và được cơ quan công an có thẩm quyền từ cấp huyện trở lên xác nhận không vi phạm luật giao thông mới được thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.
* Xin cảm ơn bà!
Ý kiến bạn đọc