Doanh nghiệp: "Bơi không mặc áo tắm"!
Là lực lượng quan trọng đóng góp vào ngân sách Nhà nước, sức khoẻ của doanh nghiệp luôn được quan tâm đặc biệt trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế. Những phân tích của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương đã chỉ ra sự chủ quan của doanh nghiệp trong kinh doanh mà ông ví là “đi bơi không mặc áo tắm”...
* Môi trường kinh doanh đặc biệt quan trọng đối với doanh nghiệp. Vậy Tiến sĩ nhận định như thế nào về vấn đề này hiện nay?
- Hiện nay kinh tế vĩ mô của cả nước có dấu hiệu cải thiện nhất định như: lạm phát giảm, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng, lãi suất giảm. Tuy nhiên hoạt động của doanh nghiệp đang gặp khó khăn lớn, đó là nợ xấu, tồn kho không bán được hàng nên không vay được vốn.
Ngân hàng trước kia huy động vốn với lãi suất cao. Do phải đối mặt với nợ xấu, hiện ngân hàng cũng không thể giảm lãi suất như mong muốn vì họ cũng là doanh nghiệp nên cũng phải chọn doanh nghiệp để cho vay. Điều này đã dẫn đến một thực tế hiện nay là luồng vốn bế tắc, 6 tháng đầu năm lãi suất liên tục giảm nhưng dư nợ tín dụng âm, tức hoạt động cho vay khá nguội lạnh.
Một vấn đề khác là thủ tục hành chính, tính công khai minh bạch, tiếp cận thông tin đối với các doanh nghiệp còn nhiều dư địa cần cải thiện.
Tôi nhắc lại là sự thật doanh nghiệp đang ở trong một môi trường kinh doanh rất khó khăn và hỗ trợ, giải cứu cho doanh nghiệp là vấn đề cấp bách.
* Vậy trước sự thật này, ngoài những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, theo Tiến sĩ cần những phương án cụ thể nào để giải cứu doanh nghiệp?
- Cần phải có quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để giúp đỡ cho những doanh nghiệp đang còn nợ không vay được ngân hàng. Tất nhiên phải chọn những doanh nghiệp tốt, lâu nay vẫn có hợp đồng, vẫn bán được hàng nhưng tác động của kinh tế thế giới và trong nước họ lâm vào khó khăn, không vay được vốn, nên bảo lãnh để họ hoạt động trở lại, góp phần hâm nóng nền kinh tế. Trong quá trình giải quyết xử lý nợ xấu cũng như bảo lãnh cho doanh nghiệp cần hoạt động công khai minh bạch, làm một cách dân chủ trên cơ sở phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp để tránh lợi ích nhóm hay sự xuất hiện của các công ty sân sau, có nghĩa để tránh giúp đỡ, bảo lãnh không đúng đối tượng
* Tiến sĩ có lời khuyên nào đối với doanh nghiệp?
- Lâu nay doanh nghiệp Việt Nam hầu như chỉ xây dựng chiến lược tiến công mà không chuẩn bị những phương án phòng thủ, rút lui. Doanh nghiệp phải xác định đây là thời điểm khó khăn, phải tự cứu lấy mình trước hết, phải chấp nhận chịu đau, nhìn vào sự thật. Nói một cách khác, đây là thử thách để doanh nghiệp rút ra bài học: trong kinh doanh phải xây dựng chiến lược tiến công, phòng thủ và rút lui hợp lý.
* Trong Hội thảo Nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI) 2012 do UBND tỉnh Dak Lak phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 27-7 tại TP. Buôn Ma Thuột, Tiến sĩ có nhắc đến cụm từ doanh nghiệp “bơi không mặc áo tắm”. Tiến sĩ có thể giải thích rõ hơn về nhận định này?
- Trước đây, tín dụng dồi dào, vay quá dễ dàng, một số lượng lớn doanh nghiệp đầu tư kinh doanh dựa vào vốn tín dụng quá nhiều. Giống như một hội cùng bơi, khi mọi thứ thuận buồm xuôi gió thì ai cũng vui vẻ nhưng khi thuỷ triều rút xuống, tín dụng giảm mới lộ ra ai “bơi không mặc áo tắm”, tức kinh doanh toàn bằng vốn ngân hàng, chẳng có vốn của mình. Những khó khăn trong bối cảnh kinh doanh hiện nay chính là cơ hội để doanh nghiệp tự nhận ra thiếu sót của mình, đi bơi phải mặc áo tắm, tức phải có vốn của bản thân mình để có phần chủ động, không bị hoàn toàn lệ thuộc, có như vậy mới vững vàng trước sóng gió thương trường.
* Xin cảm ơn Tiến sĩ!
Thuần Thuận (Thực hiện)
Ý kiến bạn đọc