Multimedia Đọc Báo in

Tiếp tục giải quyết tốt, kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi người có công

09:09, 27/07/2012

Phát huy truyền thống dân tộc, phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng và trở thành tình cảm, trách nhiệm của toàn xã hội đối với những người đã hy sinh xương máu vì độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Bằng tất cả tình cảm biết ơn và kính trọng, mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị đã, đang và sẽ có những việc làm cụ thể để tiếp tục nhân lên những nghĩa cử cao đẹp với các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Ông Nguyễn Quang Trường Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có đôi điều chia sẻ về những nghĩa cử cao đẹp ấy.

* Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” là phong trào lớn nhằm tri ân các Anh hùng liệt sĩ cũng như giúp đỡ các gia đình chính sách, có công với cách mạng. Xin ông cho biết những kết quả nổi bật trong thực hiện phong trào này thời gian qua?

- Trong giai đoạn 2007-2012, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các ngành liên quan tiếp nhận và giải quyết chế độ cho gần 7 nghìn hồ sơ đối tượng chính sách các loại theo quy định; tổ chức tìm kiếm và quy tập 250 hài cốt liệt sĩ hy sinh trên chiến trường Tây Nguyên, quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam từ Cămpuchia về nước. Toàn tỉnh đã huy động Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” được hơn 26 tỷ đồng; từ nguồn huy động được đã xây tặng 699 căn nhà tình nghĩa; nâng cấp, sửa chữa 524 căn nhà và trao tặng 2.228 sổ tiết kiệm với số tiền hơn 1,6 tỷ đồng cho các đối tượng chính sách có công. Bằng nguồn kinh phí Trung ương và địa phương, Dak Lak đã xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp 12 nhà bia ghi tên liệt sĩ ở các xã, 4 đài tưởng niệm liệt sĩ ở các điểm di tích lịch sử; sửa chữa nâng cấp 12 nghĩa trang liệt sĩ của các huyện; cải tạo nâng cấp Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh với số tiền hàng chục tỷ đồng... Căn cứ 6 tiêu chuẩn quy định, đến nay đã có 183/184 xã, phường, thị trấn được UBND tỉnh công nhận đơn vị làm tốt công tác thương binh liệt sĩ.

 Phong trào phụng dưỡng chăm sóc Mẹ Việt Nam Anh hùng đã được các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh nhiệt tình hưởng ứng, tất cả các Mẹ còn sống được các đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời. Cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp đã thực hiện tốt các chủ trương chính sách của Đảng về công tác thương binh liệt sĩ; quan tâm giúp đỡ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để họ ổn định về mọi mặt trong đời sống. Đó là nguồn động lực to lớn để thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ vượt qua nỗi đau thương mất mát và tiếp tục phát huy truyền thống, phẩm chất đạo đức cách mạng trong cuộc sống hôm nay.

* Dak Lak là địa phương tập trung cư dân của nhiều tỉnh thành đến định cư sinh sống, vậy có khó khăn gì trong việc giải quyết chế độ chính sách cho những người có công, thưa ông?

- Đúng vậy, Dak Lak là một tỉnh có nhiều người dân ở các địa phương đến định cư và sinh sống; do đó, đối tượng người có công cũng rất đa dạng, đủ các thành phần dân tộc, tôn giáo ... nên việc giải quyết các chế độ chính sách cũng gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn thứ nhất là vấn đề nhà ở của người có công. Phần lớn những người dân di cư đến Dak Lak, trong đó có các đối tượng chính sách đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, khi vào Dak Lak sinh sống, nhà ở tạm bợ, dột nát, thiếu việc làm, nhu cầu làm nhà ở cho đối tượng người có công ngày càng phát sinh.... nên chỉ tiêu cải thiện nhà ở đối với người có công luôn biến động và khó giải quyết được dứt điểm.

Khó khăn thứ hai là trong việc giải quyết chế độ đối với người có công. Theo quy định, để giải quyết được chế độ chính sách, người dân phải có hộ khẩu thường trú tại địa phương nhưng phần lớn những người di cư đến Dak Lak thường ở một thời gian, sau đó mới nhập hộ khẩu, vì vậy việc giải quyết chế độ chưa được kịp thời. Thậm chí có những văn bản hết hiệu lực không giải quyết được chế độ dẫn đến hồ sơ bị tồn đọng, việc cập nhật, quản lý hồ sơ gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, công tác giải quyết việc làm, dạy nghề và các chế độ ưu đãi khác đối với người có công cũng gặp khó khăn.

* Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình người có công với cách mạng là chủ trương của Đảng, Nhà nước. Vậy Dak Lak có những chương trình, hoạt động gì để giúp đối tượng này phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống?

-  Toàn tỉnh hiện nay còn 319 đối tượng chính sách cần phải xây nhà tình nghĩa; 288 đối tượng cần hỗ trợ kinh phí để sửa chữa nhà ở. Vừa qua, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho UBND tỉnh có Kế hoạch số 3404/KH-UBND ngày 22-6-2012, về việc triển khai làm nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách có công. 6 tháng đầu năm 2012 cả tỉnh huy động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được 3,4 tỷ đồng, xây và tặng 65 căn nhà tình nghĩa cho đối tượng; theo kế hoạch này trong năm 2012 sẽ giải quyết dứt điểm việc làm nhà ở cho đối tượng chính sách. Hiện nay, Sở cũng đã phối hợp với các ngành tham mưu cho tỉnh tiếp tục tuyên truyền, vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” ở các cấp, chỉ đạo các địa phương để thực hiện tốt kế hoạch làm nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách theo kế hoạch đề ra.

Trong năm nay, Sở sẽ có kế hoạch điều tra, khảo sát hộ gia đình chính sách người có công trên địa bàn của tỉnh, thông qua kết quả điều tra nắm bắt được hoàn cảnh gia đình, tình hình kinh tế của người có công. Trên cơ sở đó, có kế hoạch giải quyết các chế độ chính sách ưu đãi đối với họ, như tạo việc làm, dạy nghề, hỗ trợ vốn... nhằm giúp cho người có công phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Ngoài ra, tiếp tục triển khai thực hiện tốt các văn bản của Đảng, nhà nước về chế độ chính sách ưu đãi người có công, từ công tác tiếp nhận hồ sơ đến quản lý chi trả trợ cấp, giải quyết chế độ phải được kịp thời, nhanh chóng, đúng đối tượng, đúng quy định, đặc biệt lưu ý các chế độ chính sách mới ban hành.

- Xin cảm ơn ông

Đàm Thuần (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc